Vật chất là một phần của cuộc sống. Chúng ta có thể lồng đề tài này sao cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ, nhờ vào những học cụ khơi gợi nhu cầu tìm hiểu thế giới bằng giác quan. Trẻ thao tác, quan sát và đặt câu hỏi thông qua những trải nghiệm đơn giản, điều đó cho phép trẻ thám hiểm và tư duy một cách khoa học. Cùng xem phương pháp Montessori đưa trẻ đến với thế giới vật chất như thế nào nhé!
Ghi chú:
Khi chúng ta tiến hành thí nghiệm với trẻ, chúng ta phải chuẩn bị sao cho sau đó, trẻ có thể làm lại một mình để quan sát và đặt câu hỏi. Không nên cho trẻ những câu trả lời sẵn, hãy để cho trẻ tự mình thử nghiệm và tự quan sát. Thay vì giải thích, hãy trao đổi với trẻ những gì trẻ nhận thấy. Tất cả những gì tự khám phá sẽ để lại dấu ấn trong trẻ.
Mục đích của chúng ta không phải là đưa ra những giải thích khoa học, vì trẻ còn quá nhỏ, mà là kích thích tư duy khoa học thông qua quan sát môi trường, hỗ trợ trẻ trong quá trình học tập và thực hành thí nghiệm vật lý và hóa học sau này. Trẻ tích lũy tri thức và hiểu rõ hơn về môi trường của mình. Các thí nghiệm này cũng chuẩn bị cho trẻ tư duy trừu tượng và phân tích.

Năm giác quan
Hoạt động này sẽ hướng sự chú ý của trẻ đến các giác quan và chức năng của chúng. Bạn in các thẻ minh hoạt cho năm giác quan (mỗi giác quan tám thẻ): hình một em nhỏ đang ngửi bông hoa để minh họa cho khứu giác, hình một bàn tay đang vuốt ve con mèo để minh họa cho xúc giác,… Cũng cần có năm thẻ thể hiện các giác quan: mũi, tai, bàn tay, mắt, và miệng (lưỡi). Mỗi thẻ này được kết hợp với một chùm hình ảnh trên. Mặt sau các hình ảnh cũng có hình vẽ của giác quan để đối chiếu.
Đầu tiên, bạn lấy năm thẻ giác quan từ trong hộp ra rồi xếp thẳng hàng trên thảm. Bạn chỉ tên những gì được minh họa (mũi, miệng, bàn tay,…) rồi thảo luận với trẻ về sự khác nhau của các giác quan và lợi ích của chúng. Chúng ta lấy chiếc thẻ cần phân loại đầu tiên rồi cũng quan sát với trẻ, hỏi xem trẻ có biết vị trí xếp không. Cứ như vậy, bạn cùng trẻ phân chia tất cả các thẻ và xếp thành cột dọc dưới các hình ảnh đại diện cho năm giác quan. Trẻ có thể tự lật thẻ để sửa sai nếu có, nhờ vào các hình vẽ đối chiếu ở mặt sau.
Vị giác
Đây là một hoạt động để giúp trẻ phát triển khả năng cảm nhận vị giác với bốn vị cơ bản: ngọt, mặn, chua, đắng. Bạn chuẩn bị bốn lọ nhỏ giống nhau, mỗi lọ chứa nước đường (dịu ngọt), nước giấm (chua), nước muối (mặn), và nước có nhỏ vài giọt tạo vị đắng. Bằng mắt thường, trẻ không thể phân biệt các lọ khác nhau. Trong mỗi lọ, bạn để một ống hút thí nghiệm nhỏ bằng nhựa. Các cốc được đặt trên khay, kèm với bốn nhãn ghi (ngọt, mặn, chua, đắng), một bình nước và hai cốc nhỏ.
Bạn rót nước từ bình vào đầy hai cốc. Dùng ống hút hút một giọt chất lỏng từ một trong các lọ rồi nhỏ lên lưỡi, không chạm vào miệng. Chúng ta bảo trẻ làm giống như vậy. Tiếp theo, bạn thông báo ngọt và đặt nhãn ghi ngọt phía trước lọ. Chúng ta tiếp tục làm như vậy với ba lọ còn lại, sau đó uống chút nước để xúc miệng. Cuối cùng, bạn bỏ biển ghi ra, để lẫn các lọ rồi đến lượt trẻ thực hiện toàn bộ hoạt động. Chúng ta chú ý để trẻ nếm vị ngọt trước và xúc miệng sau khi nếm ba vị tiếp theo. Nếu trẻ chưa biết đọc thì chúng ta xếp nhãn ghi giúp trẻ. Bạn để cho trẻ thử nếm các vị khác nhau này, sau đó cho trẻ học bài ba giai đoạn để nhớ từ ngữ.
Chú ý: chúng ta cảnh báo trẻ không được thí nghiệm trước khi nhờ chúng ta đổ đầy các lọ cho trẻ. Trẻ chỉ được nếm những gì chúng ta đưa cho trẻ.
>>> Những thú vị về “không khí” được hé lộ qua phương pháp Montessori.
Rắn, lỏng, khí
Khi đề cập khái niệm rắn, lỏng và khí, chúng ta chuẩn bị ba ống nghiệm, một mẩu gỗ, một bình nước nhỏ và ba nhãn ghi “rắn”, “lỏng”, “khí”. Bạn bảo trẻ để mẩu gỗ trong ống nghiệm thứ nhất, đổ chút nước trong ống nghiệm thứ hai và không để gì trong ống nghiệm thứ ba. Sau đó, bạn đưa cho trẻ nhãn ghi chất lỏng rồi bảo trẻ xếp vào chỗ nào thấy thích hợp. Chắc chắn trẻ sẽ biết xếp vào chỗ nước. Bạn tiếp tục đưa nhãn ghi chất rắn, và cuối cùng là nhãn ghi chất khí. Bạn hỗ trợ nếu thấy trẻ đắn đo, đồng thời hỏi liệu trong ống nghiệm trống rỗng đó có thể có gì.
Một thí nghiệm khác giúp đề cập đến trạng thái của nước. Chúng ta chuẩn bị ba ống nghiệm và một cái nút chai. Trong ống nghiệm thứ nhất, trẻ sẽ rót nước vào và để nhãn ghi “lỏng”. Tiếp theo bạn bảo trẻ rót đầy vào khay đựng đá với phần nước còn lại rồi để vào trong tủ lạnh. Khi đã thành đá, trẻ đập vỡ một mẩu đá, bỏ vào trong ống nghiệm thứ hai rồi để nhãn “rắn”. Sau đó, bạn bảo trẻ để phần đá còn lại vào trong nồi rồi hâm nóng: hơi nước bốc lên. Bạn cầm ngược ống nghiệm thứ ba lên trên phía trên chiếc nồi để hứng một ít hơi nước rồi đậy nút lại. Trẻ để nhãn ghi “khí” (hơi).
Đặc tính của chất lỏng
Đối với thí nghiệm này, chúng ta cần chuẩn bị các dụng cụ dưới đây trước khi giới thiệu cho trẻ: cắt bỏ phần trên của hai chai nhựa, đục một lỗ ở thân dưới và luồn hai đầu của một ống nhựa trong suốt vào hai lỗ đó, dán keo kín xung quanh rồi để khô. Bạn xếp các chai được chuẩn bị như vậy vào khay với một bình nước màu, một miếng xốp rửa bát và hai giá đỡ giống nhau (giá bằng gỗ hoặc vật liệu khác).
Bạn xếp chồng hai giá lên nhau trước mặt trẻ. Đặt một chai lên cao và một chai thấp hơn. Bạn nhờ trẻ giữ hai chai trong khi bạn nhanh chóng đổ toàn bộ nước từ bình vào chai cao hơn (trẻ có thể bỏ tay ra khỏi bình). Trẻ sẽ nhận thấy rằng nước chảy hết từ bình trên cao xuống bình dưới thấp! Khi bạn thay đổi vị trí của hai bình, trẻ cũng nhận thấy rằng hiện tương này lại lặp lại. Nước chảy do ảnh hưởng của trọng lực. Bạn có thể để cho trẻ quan sát phần hoạt động này tùy thích.
Bạn rót lại toàn bộ nước vào trong bình rồi bỏ bớt một giá đỡ đi, khi đó một chai chỉ đặt lên hơi cao hơn chai kia một chút. Bạn giữ các chai rỗng, còn trẻ đổ toàn bộ nước ở trong bình vào chai đặt trên cao. Lần này, trẻ sẽ nhận thấy rằng mực nước bằng nhau giữa hai chai. Trẻ cũng có thể giữ hai chai trong tay rồi giơ một cánh tay cao lên và một cánh tay hạ xuống. Nếu trẻ để nghiêng bình một chút, trẻ cũng sẽ quan sát thấy rằng nước luôn ở trên mặt phẳng nằm ngang.
“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”