“Khi được tạo điều kiện thích hợp, việc rèn luyện các khả năng của cơ thể, trí óc và tâm hồn được tự nhiên quy định là sẽ mang lại niềm vui thích chứ không phải khổ đau.”
———
Giáo dục bắt buộc có những mục đích tốt nhất đằng sau. Nó hướng đến sự tiến bộ của cá nhân, của quốc gia và của toàn nhân loại. Sự thôi thúc cho bước nhảy vọt của nhân loại là không thể cưỡng lại. Nhưng người lớn, nhằm cho quyền giáo dục được đảm bảo đã đặt toàn bộ gánh nặng lên trẻ.
Giáo dục đã trở thành nỗi thống khổ của trẻ đã từ rất lâu rồi. Sự hạnh phúc và sức khoẻ của nhiều trẻ đã phải hy sinh cho lợi ích giáo dục. Không cần thiết phải là một bác sĩ hay là một chuyên gia tâm lý mới có thể mô tả những căn bệnh thể chất và tinh thần có nguồn gốc trực tiếp từ việc giáo dục trong quá khứ.
Đã có rất nhiều sách không viết về những căn bệnh thời thơ ấu nhưng viết về những căn bệnh gây ra bởi trường học. Khi ai đó đọc những cuốn sách này, họ sẽ thấy những ghi chép về những cơ quan và chức năng của trẻ bị huỷ hoại bởi những ngôi trường.
Xương khớp, các nhóm cơ và thần kinh đã phải chịu những ảnh hưởng xấu. Những cơ quan thần kinh và tiêu hoá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, tình trạng bệnh lý của cơ thể và tinh thần là do trường học và việc dạy học gây ra.
Để giải quyết vấn đề, một phương pháp đơn giản được nghĩ ra. Chính phủ của các quốc gia khác nhau đều ban hành luật vệ sinh và bắt buộc các trường học phải chấp hành. Đó là sự nỗ lực nhằm khắc phục các căn bệnh từ trường học. Không có sự nỗ lực nào nhằm loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Phương pháp chữa bệnh này đã không thể trị bệnh triệt để.
Đến cuối thế kỷ trước, tình hình trở nên tệ hơn. Có vô số bài viết cho thấy rằng nhà trường đã thất bại trong việc phát triển nghị lực, trí tuệ và hành vi đạo đức; rằng các học sinh bị hình thành thói quen nói dối, mánh lới hay lười biếng; rằng các em không thể tập trung sự chú ý hay suy nghĩ về một vấn đề; rằng trường học là nguyên nhân khiến các học sinh căm ghét giáo viên và ác cảm với việc học.
Thái độ của các học sinh là: “Ơn trời, giáo viên bị ốm rồi,” hay là “Làm sao để chúng ta có thể lừa thầy cô và trốn khỏi lớp học?” Trẻ em đã thiếu sự quan sát đến nỗi các em không thể quan sát được bất kỳ nguy hiểm nào trên đường. Các em la hét trong trường, đánh bạn, ném sách vào nhau, chạy chính giữa những con đường mà quên mất sự bất tiện của những người khác trên đường hay những nguy hiểm từ các phương tiện giao thông đang chạy trên đường. Đáng kể là phía trước những ngôi trường nằm ở đường lớn đều có bảng thông báo như sau: “Trường học: Hãy cẩn thận.”
Lại có một giai đoạn người ta phải luôn thận trọng về nhiều mặt. Cẩn thận để trẻ em không bị xe tông. Cẩn thận để không cho phép trẻ gây hại cho mắt của em, để không bị gù lưng vì tư thế ngồi không đúng khi ở trường và để không làm các bạn khác bị thương. Tất cả điều là những hành động tiêu cực. Gốc rễ của sự việc là từ hệ thống.
Sau đó, người ta lại nảy sinh nghi ngờ là liệu rằng có cần thiết phải giáo dục nhiều như vậy không. Nhiều người nghĩ rằng những khó khăn sẽ giảm bớt nếu giảm số lượng và chất lượng giáo dục. Họ cho rằng trẻ đã quá kiệt quệ về mặt tinh thần. Mục đích của họ là: Có thể giảm bớt những gì từ chương trình học?
Họ nhìn nhận vấn đề từ phương diện của người lớn. Họ tranh luận rằng: “Chúng tôi không hề thấy việc sử dụng kiến thức hình học trong đời sống người lớn; vì vậy hãy loại hình học ra khỏi chương trình học.” Về đại số thì ý kiến của họ như sau: “Chỉ cần học đủ để trẻ có thể mua bán là được; còn lại có thể được bỏ đi.” Họ quả quyết rằng: “Sử dụng ngữ pháp làm gì, xưa giờ trẻ em vẫn có thể nói và viết mà không cần ngữ pháp phải không? Chúng ta có thể loại nó ra khỏi chương trình.”
Các công việc ở trường được giảm đi từng chút, từng chút một cho đến khi trẻ không làm bất cứ điều gì liên quan đến công việc trí tuệ. Thực tế là mọi người được thuyết phục rằng cho trẻ em sáu tuổi đi học là quá sớm: rằng các em có thể học mọi thứ cần thiết nếu được đi học lúc tám tuổi.
Học ít thôi, chơi nhiều lên, và thêm nhiều trò chơi trở thành trào lưu. Hình phạt được giữ lại một cách miễn cưỡng để xoa dịu giáo viên. Các bài kiểm tra cũng được biến mất nhưng một câu hỏi được đưa ra “Làm sao chúng ta biết được trẻ biết gì nếu không có các bài kiểm tra?” Vì vậy, các kì thi cuối cấp vẫn được giữ lại.
Khi việc dạy học bắt buộc ngày càng nhẹ hơn, thì các môn thể thao và trò chơi trở thành bắt buộc. Thực tế là trong một số trường học, những trẻ giỏi quyền Anh hay đá bóng được cho làm các bài kiểm tra đơn giản của những môn học trong trường. Bài kiểm tra của những em khác thì không dễ như vậy.
Việc giảm giờ học và đơn giản hoá chương trình học đã không giúp cải thiện chất lượng giáo dục. Kết quả là tạo ra những người đàn ông và phụ nữ thiếu kiến thức, thiếu kỷ luật và thiếu nghị lực.
Sau đó, có một cuộc nổi dậy chống lại việc làm suy yếu cơ thể và trí óc của trẻ em. Mọi người nói rằng, hãy để chúng tôi quay lại điểm bắt đầu. Điều này đã lên đến cực điểm, dưới thời của Mussolini, Hitler và Tojo, trong sự suy kiệt về tinh thần và đạo đức, đồng thời tập trung vào việc bồi dưỡng thể chất và hiệu quả quân sự.
Đây là một tình trạng rối loạn mà từ đó nảy sinh ra một nền giáo dục mới cho tương lai.
Nếu giáo dục là một sự trợ giúp cho nền văn minh, nó không thể được thực hiện bằng cách loại bỏ khỏi trường học các khía cạnh về kiến thức, về nhân cách, về kỷ luật, về sự hài hoà xã hội và trên tất cả là về tự do. Do đó, giáo dục đã trở thành một vấn đề trọng yếu.
Vấn đề chính yếu là vấn đề về tự do: ý nghĩa và tác động của nó cần phải được hiểu một cách rõ ràng. Suy nghĩ của người lớn là tự do bao gồm việc giảm các nhiệm vụ và phải loại bỏ các nghĩa vụ. Chúng tôi cũng phải bác bỏ ý tưởng rằng niềm vui của trẻ là được thúc đẩy để chơi cả ngày hoặc là phần lớn thời gian trong ngày.
Nền tảng của giáo dục cần phải dựa trên những sự thật sau: rằng niềm vui của trẻ là hoàn thành tốt đẹp những việc phù hợp với độ tuổi của em; rằng sự hài lòng thật sự của trẻ là nỗ lực tối đa cho việc em đang làm; rằng hạnh phúc là ở hoạt động của cơ thể và trí óc được định hướng tốt một cách xuất sắc; rằng sức mạnh của cơ thể và trí óc và tâm hồn chỉ đạt được bằng trải nghiệm và rèn luyện; và rằng tự do đích thực, như mục đích của nó, thì có ích cho xã hội và cho loài người, không mâu thuẫn với sự tiến bộ và hạnh phúc của một cá nhân.
Sự tự do được trao cho trẻ không phải là sự phóng thích khỏi ba mẹ và giáo viên; nó không phải là tự do khỏi các điều luật của Tự nhiên hay của địa phương hay xã hội, nhưng là sự tự do tối đa cho việc phát triển bản thân và tự nhận thức tương thích với việc phục vụ xã hội.
Khi một người nhìn thấy cây cối, thực vật và các bông hoa trong vườn hay cá ở đại dương, người đó sẽ có ấn tượng về sự tự do trong cuộc sống. Giả sử như ý niệm về tự do của chúng tôi là sự tự do mà không cần tuân theo bất kì quy luật nào thì theo lô-gic đó chúng ta nên nói rằng: “Những cái cây tội nghiệp đang bị trói chặt vào gốc; hãy để chúng tôi nhổ chúng lên và giúp chúng tự do,” hay “thật tội nghiệp làm sao khi những con cá bị buộc phải ở trong nước toàn thời gian; hãy để chúng tôi giúp chúng được tự do bằng cách đem chúng ra khỏi đó.”
Chúng ta phải nhìn nhận rằng bằng mỗi hành động của việc trao tự do như kể trên, chúng ta đang tước đi sinh mạng. Trong một số khía cạnh, những lời nhận xét tương tự cũng áp dụng lên trẻ như vậy. Chúng ta sẽ cho trẻ tự do khỏi công việc ư? Những nỗ lực như vậy không khác gì việc nhổ một cái cây lên hay mang một con cá ra khỏi nước.
Khi chúng ta hiểu được những thực tế căn bản này, chúng ta sẽ nhận ra rằng tự do của trẻ là ở niềm vui của việc tìm tòi, của kiến thức, của hành động và của việc giúp đỡ người khác. Bởi vì các cơ bắp sẽ trở nên mạnh mẽ nhờ luyện tập, tương tự như vậy niềm vui và sức mạnh sẽ lớn lên nhờ vào hoạt động, nỗ lực và hoàn thành.
Tuy nhiên, nỗi thống khổ của trẻ bởi vì sự tiến bộ của xã hội là có thật. Nếu bạn mời những người lớn đến một buổi họp để phổ biến một vài ý tưởng mới hoặc ý tưởng đã có hiệu lực, có bao nhiêu người sẽ tham dự cuộc họp? thậm chí những người đã đến sẽ chỉ nghe bạn nói trong vòng một tiếng và họ bỏ về. Nhưng trong trường hợp là trẻ em, các em sẽ bị giữ lại với nhau trong nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm dưới sự chỉ đạo và giám sát từ những nhà giáo dục của em. Người mà mong muốn tác động đến nhân loại biết rằng họ có thể làm điều đó bằng cách tụ tập trẻ em lại và giữ các em ở trường. Mối lợi này, bất chấp đó là sự lạm dụng, bất chấp đó là sự ngược đãi trẻ em bằng việc dửng dưng hay thiếu hiểu biết, đã chịu trách nhiệm chính cho một bước tiến bộ của nền văn minh.
Vào đầu thế kỷ này, người lớn đã thức tỉnh về những nguy hiểm và tệ nạn mà đời sống học đường gây ra cho trẻ em. Mọi người đã chú ý đến sự thật rằng khi trẻ chịu đựng khổ sở, em không thể phản kháng hay tự vệ. Xã hội đã đưa trẻ đi học phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ. Người lớn là người đàn áp trẻ phải trở thành người giải phóng trẻ. Lương tâm của người lớn phải được đánh thức nếu muốn trẻ thật sự được tự do. Phản ứng duy nhất của trẻ khi bị đối xử tệ là trở nên yếu kém hơn và sức mạnh tinh thần và thể chất bị suy giảm.
Từ quan điểm này, giáo dục vẫn là một vấn đề xã hội phổ biến. Trao tự do để trẻ được tuân theo các quy luật phát triển cũng chính là trao tự do cho xã hội và toàn nhân loại. Mặc dù nỗi thống khổ của trẻ từ khi giáo dục bắt buộc xuất hiện cũng tạo ra vài kết quả có ích, tuy nhiên nếu lương tâm của xã hội được đánh thức và kiến thức khoa học về thời thơ ấu được áp dụng, thì những kết quả tốt hơn chắc chắn sẽ tăng vọt; bởi vì khi được tạo điều kiện thích hợp, việc rèn luyện các khả năng của cơ thể, trí óc và tâm hồn được tự nhiên quy định là sẽ mang lại niềm vui thích chứ không phải khổ đau.
———
Nguồn: The Montessori Series: What You Should Know About Your Child – The Martyrdom of the Child
Dịch bởi: Hà Ly Nguyễn