7 trò chơi tại nhà cho bé theo phương pháp Reggio Emilia

Giới thiệu các hoạt động vui chơi tại nhà đơn giản và lý thú – những hoạt động do chính các giáo viên và nhà sư phạm tại Reggio Emilia biên soạn và giới thiệu như một cách hỗ trợ các gia đình để tổ chức hoạt động cho các bé ở nhà trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh.

Hoạt động với hạt đậu

Trẻ em là những nhà khám phá rất tò mò và chú tâm vào thế giới xung quanh mình. Nếu ta khuyến khích các bé quan sát kỹ lưỡng – đồ vật, còn vật – các bé có thể nhận ra được những đặc điểm khác nhau và tưởng tượng ra cách biến đổi chúng một cách rất sáng tạo và hài hước.

Ý tưởng biến đổi này rất gần với thế giới trẻ thơ bởi vì các bé đã trải nghiệm điều này mỗi ngày trong quá trình lớn lên.

Gợi ý hoạt động cho trẻ:

Bạn cần gì: đậu Roman, đậu cúc, hay các loại đậu có nhiều đường vân sặc sỡ khác, bút chì, bút chì màu, bút dạ, hộp đựng, đất, máy chụp hình hay điện thoại.

Biến đổi một hạt đậu cách 1

  • Bé đã bao giờ quan sát kỹ lưỡng những hạt đậu chưa?
  • Chúng thật là khác nhau!
  • Chẳng có hạt đậu nào giống hạt đậu nào.
  • Hãy nhìn những đường vân trên những hạt đậu và thử tưởng tượng để biến đổi chúng.
  • Hạt đậu này giống với cái gì? Nó làm cho bé nghĩ đến điều gì?
  • Hãy lấy giấy và bút chì ra, thử biến đổi nó xem.
  • Nó có thể biến thanh con cá, bộ móng vuốt của gấu, hay một cái tai.

Hoặc thử dùng bút dạ,bút màu, thử kết hợp với hình dáng và màu sắc của các hạt đậu.

Biến đổi một hạt đậu cách 2

  • Nếu chúng ta thử cho hạt đậu được “sinh ra” thì sao?
  • Nó sẽ lớn lên trong “bụng mẹ” như thế nào?
  • Nó muốn được nằm trong “bụng mẹ” một mình hay với những hạt đậu khác?
  • Đi tìm “bụng mẹ”
  • Bé hãy tìm các loại chậu, bình quanh nhà. Có thể là nhiều loại khác nhau.
  • Có thể bé sẽ tìm được một chiếc bình gốm xanh, hay một lọ mứt thủy tinh trong suốt, hoặc một hộp đựng trứng. Hoặc một chiếc bình hoa trắng nhỏ, hay một chậu trồng cây, hoặc một cái ca.

Trồng đậu

  • Gieo đậu vào đất, độ sâu khoảng 2 ngón tay. Phủ đất lên hạt đậu giống như đắp cho nó 1 cái chăn.
  • Hãy tưới đậu ngay với 1 ít nước, và tưới lại khi bé thấy đất đã khô.
  • Với hạt đậu nào muốn được ở cùng các bạn đậu khác, hãy chọn 1 cái bình to hơn để chứa được nhiều cây.
  • Cây đậu rất cao, cho nên chúng sẽ cần giúp đỡ để leo lên.

Hạt đậu sẽ biến đổi chứ?
Nó sẽ mọc lên như thế nào?
Nó sẽ cao như thế nào?
Hãy thử tưởng tượng…sau đó lấy giấy và bút chì vẽ lại ý tưởng của bé.

Tìm một nơi phù hợp

Hãy nhìn quanh và xem bé có thể tìm một nơi cho hạt đậu được sinh ra.
Nơi nào sẽ thân thiện với đậu nhỉ? Tươi sáng, ấm áp, dễ chịu, vui vẻ, xinh đẹp, tử tế?
Bên cạnh cửa sổ ban công để ngắm nhìn lũ chim? Hay ở một cửa sổ để tắm nắng và ngắm cây cối? Chúng sẽ nói gì với nhau?
Ẩn nấp bên trong chậu hoa dừa cạn trong vườn? Hay nằm cùng nhau bên bậu cửa sổ? Hay là nằm cùng những vỏ ốc, cùng nghĩ về biển cả, hay với các bạn đồ chơi?

Chờ đợi và ghi lại

Bé hãy nói chuyện với những hạt đậu mỗi ngày, và chụp hình lại khi những cái cây bắt đầu nảy mầm
Hãy chụp hình lại mỗi ngày để ghi nhận qu1 trình phát triển của những cây đậu. Nhưng nhớ chụp hình cùng một vị trí mỗi ngày nhé.
Hạt đậu nào hào hứng muốn chui ra khám phá thế giới nhất? Hạt đậu nào, chắc là hơi lười biếng hơn, thích được nằm yên dưới lớp đất dày hơn?
Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi nhé!
“…Nó cần được yên tĩnh để lớn lên” – Bé Adele, 5 tuổi.

Trò chơi vẽ biến hình

Trò chơi này dựa trên khả năng tưởng tượng của chúng ta khi hình dung những điều sẽ xảy ra: trong tiếng Ý chúng tôi gọi nó là “prefiguration”.

Trong trò chơi này, hình vẽ của BÉ sẽ giống như 1 “chiếc rương kho báu” làm cho mọi người tò mò muốn mở ra vì không ai biết có gì trong đó. “Mở” bức vẽ ra và thứ bên trong nó sẽ tạo ra ngạc nhiên và những tiếng cười.

Gợi ý chơi cho trẻ:

  • Lấy một tờ giấy khổ A4 hoặc to hơn, để ngang và gấp 2 cạnh bên vào giữa , chừa một phần trống ở giữa không bị che lại.
  • Vẽ bất cứ cái gì bé thích đè lên toàn bộ mặt giấy, kể cả phần 2 đầu giấy đang gấp lại.
  • Khi bé mở 2 đầu giấy ra, bé sẽ chỉ nhìn thấy phần chính giữa của bức vẽ. Hãy dùng chi tiết này để vẽ tiếp một thứ khác.
  • Phần chính giữa càng phức tạp thì trò chơi sẽ càng thử thách hơn.

Các bé 5 và 6 tuổi có thể chơi trò này và đố người lớn, bạn bè: Trò này không đơn giản nhưng hãy tin vào trẻ, vì chúng tôi đã từng nhiều lần thấy bọn trẻ chơi trò này một cách xuất chúng. Không có gì quá ngạc nhiên khi trẻ em chứng tỏ là chúng thông minh hơn rất nhiều người lớn!

Trò chơi theo nhóm

Trò chơi theo nhóm mà chúng tôi gợi ý sau đây là một biến thể của một trò chơi nổi tiếng, được sáng tạo ra từ những nghệ sỹ theo trường phái siêu thực (Surrealists) vào năm 1925

Gợi ý hoạt động cho trẻ:

  • Bạn cần gì: Vài tờ giấy
  • Số người chơi: từ hai người trở lên
  • Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu giấy và bao nhiêu người chơi.
  • Trò chơi yêu cầu những người chơi thay phiên nhau vẽ các con vật.
  • Một người bắt đầu vẽ một con vật hoặc một bộ phận của con vật đó trên giấy, mà không nói cho những người khác biết đó là con gì. Sau đó gấp tờ giấy lại để che đi hình vẽ và chuyền tờ giấy sang cho người bên cạnh.
  • Người bên cạnh phải nối đoạn cuối của hình vẽ của người đầu và dùng chi tiết đó để bắt đầu hình vẽ một con vật hoặc một bộ phận khác. Sau đó, lại chuyền cho người kế tiếp, sau khi gấp và giấu đi hình vẽ của mình.
  • Số lượt chơi tùy thuộc vào số người chơi. Nếu trẻ muốn chơi tiếp bạn có thể thêm giấy để chơi tiếp nhiều lượt nữa.
  • Sau khi mọi người đều vẽ xong, hãy trải giấy ra, bạn sẽ thấy các bé đã tạo nên một vườn thú nhỏ, và con vật này dc tạo ra từ con vật trước đó.

Trong bức hình ví dụ ở đây, bạn có thể thấy người trước chỉ chừa lại một chi tiết nhỏ để người sau vẽ tiếp. Chi tiết càng to thì trò chơi càng thử thách.

Chủ đề có thể thay đổi nhé: con vật, những gương mặt, hoa, tàu, máy bay…mọi chủ đề bạn có thể nghĩ ra
Luật chơi thì không thay đổi: mỗi hình vẽ bắt đầu từ hình vẽ trước đó như một sợi dây gắn kết những mảnh vẽ mà chúng ta cùng vẽ với nhau.

Trò chơi đố hình ảnh

Ngay cả những đồ vật đời thường nhất cũng làm ta ngạc nhiên khi ta nhìn chúng một cách kỹ lưỡng, hoặc quan sát chúng bằng máy móc kỹ thuật. Ta có thể thấy một góc nhìn hoàn toàn khác và khám phá những điều mới lạ từ những vật dụng xung quanh, bằng cách sử dụng máy chụp hình và điện thoại.

Trò chơi với ánh sáng và bóng, hoặc thử nghiệm với phóng to và chuyển động đều giúp ta tìm thấy những dáng hình, màu sắc, hình ảnh mới: Những thứ ẩn sâu bên trong, hình dạng này chồng lên hình dạng khác.

Gợi ý hoạt trò chơi đố hình ảnh:

  • Đầu tiên, sau khi đã chọn được thứ gì đó bé thích, bé hãy chụp hình nó với hình dạng thông thường nhất.
  • Tiếp theo, hãy thử chụp góc nào mà bé chỉ có thể nhận ra phần nào đó của nó. Thử chụp những góc nào làm cho vật được chụp “biến dạng”, “thay đổi” nhưng vẫn có thứ gì đó gợi ý cho bạn về vật đó.
  • Một hình có lẽ sẽ không đủ, bé có thể phải thử nhiều lần để tìm ra “bộ mặt mới” của thứ bé đang chụp, nhưng việc thử đi thử lại này chính là điểm thú vị của trò chơi.

Hãy chơi cùng những người khác, thay phiên nhau “săn tìm” các kiểu ảnh, đố nhau xem có ai nhận ra cái gì ở trong hình của bạn không.

Cũng có thể chơi trò chơi này với bạn bè từ xa, chẳng hạn có thể gửi hình qua mạng để đố bạn bè mình.

Sẽ đẹp lắm nếu chúng ta có thể nhìn ngắm tất cả những bức hình này trên cùng một màn hình tivi hay máy tính, để cảm nhận được hết vẻ đẹp và thông điệp từ chúng.

Khi đố nhau, những câu trả lời sai cũng rất quan trọng, vì đó chính là thứ mà bức hình gợi ý cho chúng ta, là trí tưởng tượng của chúng ta, là những màu sắc mới mà trò chơi mang lại.

Chúng tôi đã chụp sẵn vài hình cho bạn. Bạn hãy cùng bé xem những bức hình sau và đoán chúng là gì nhé.

Cây là gia đình

Những cái cây có lối sống rất thông minh: dù chúng đứng yên, chúng vẫn tự nuôi sống mình, sinh sản, giao tiếp với nhau, tự bảo vệ, thậm chí còn chơi đùa với nhau nữa. Trong thời điểm khó khăn này, những cái cây còn dạy cho chúng ta bài học về tầm quan trọng của việc thay đổi, làm khác đi cách mà chúng ta vẫn thường làm. “Những sinh vật sống” là một đề tài mà chúng tôi đang tìm hiểu, qua hoạt động vẽ, trong một dự án vào đầu năm học của các trường mầm non – mẫu giáo ở Reggio Emilia.
Chúng tôi chọn cây vì chúng tượng trưng cho sự sống trên Trái đất này, là thành viên cùng chung sống trong gia đình Trái Đất, là những anh chị em mà chúng ta cần hiểu và tôn trọng.

Tìm hiểu qua nét vẽ

Hoạt động vẽ là phương tiện để học hỏi, bởi vì vẽ là một “ngôn ngữ” hỗ trợ cho sự quan sát, trí tò mò, sự thấu cảm của chúng ta, tất cả những yếu tố giúp chúng ta “thấy” mọi thứ một cách cẩn thận hơn, và hiểu hơn về những điều khác ngoài bản thân chúng ta.

Gợi ý cho trẻ nhỏ:

Chúng tôi đề xuất một vài gợi ý, mời gọi người lớn hỗ trợ tìm nguyên vật liệu, nhưng không can thiệp vào quá trình vẽ của trẻ.
Chúng ta muốn cho trẻ được tự do tìm hiểu cách thức những cái cây tổ chức và sắp xếp. Chúng ta vẫn thường hay cho trẻ sẵn mẫu để vẽ theo, đây là cách làm đã cũ và không giúp ích được gì cho trí tuệ và sự tò mò của trẻ.

Chọn một cái cây và quan sát nó

Hãy tìm một cái cây mà bé có thể nhìn thấy (nhìn gần hoặc từ xa) và bé cảm thấy thích. Nếu không có cái cây nào ở gần hãy cho bé xem tranh ảnh những cái cây, và nếu không có tranh ảnh thì cũng có thể quan sát cái cây trong trí tưởng tượng của bé.

Nếu được, khuyến khích bé chạm vào cây, cảm nhận vỏ cây, dùng mũi ngửi, ngắm nhìn các cành cây, quan sát xem chúng chuyển động trong không khí như thế nào, quan sát sự khác nhau giữa những cái cây, nhìn lên để thấy tán cây có hình thù như thế nào giữa bầu trời.

Nếu cây có lá, khuyến khích bé chạm vào chúng, nhìn thật kỹ, bé có thể lấy 1 chiếc lá (nhưng chỉ 1 chiếc thôi) để làm mẫu trong quá trình vẽ.

Nếu cái cây mà bạn và bé chọn đã có hoa hoặc sắp ra hoa, hãy nhìn những bông hoa và xem chúng khác nhau như thế nào: vài bông đã nở rộ, vài bông mới hé nhụy, vài bông đã rơi đi vài cánh. Bé chạm vào chúng được không? Hoa có mùi thế nào? Nếu bé có thể chạm tới, có thể dùng 2-3 bông để làm mẫu, để bé có thể nhớ hình dáng của chúng.

Nếu cái cây mà bạn và bé chọn ở gần đó, hãy đi xung quanh nó và chụp vài bức hình bằng điện thoại. Nếu đó là cái cây trong tưởng tượng, hãy khuyến khích bé tưởng tượng mình đang đi vòng quanh nó, dừng lại và nghĩ đến cành cây, lá cây, và hoa của nó.

Hãy tưởng tượng bé là một chú chim và có thể nhìn thấy cái cây từ trên cao. Trí óc của chúng ta cần được chuyển động trong không gian, để có thể thấy một sự vật từ nhiều góc độ khác nhau , kể cả khi chúng ta chỉ dự định vẽ một bức tranh mà thôi.

Vẽ tranh

Khi đã vẽ xong các bộ phận của cây mà ta có thể nhìn thấy được, tiếp tục tưởng tượng đến những phần ta không thấy được, ở dưới mặt đất:

  • Rễ cây trông như thế nào?
  • Cái cây dùng rễ để làm gì?
  • Có cái gì ở dưới lòng đất và có mối quan hệ với cái cây?

Trí tưởng tượng sẽ cho ta thấy mọi thứ mình muốn, bởi khi vẽ tranh ta có quyền tạo ra thế giới mới của riêng mình.

Nếu ngoài trời có nắng, sẽ có bóng cây. Những cái bóng luôn là thứ rất hay ho. Cái bóng có giống y chang cái cây không hay khác một chút? Nó nhỏ hơn hay to hơn? Hãy thử xem bé có thể tìm thấy bóng cây không, hoặc thử tưởng tượng bóng cây, và nếu thích, bé có thể vẽ thêm bóng cây vào tranh của mình.

Và tất nhiên bé cũng có thể vẽ những thứ khác liên quan đến cây: mặt trời, mưa, gió, không khí, động vật; bất cứ cái gì bé nghĩ là cái cây sẽ thích.

Bé có thể dành cả một ngày để nghiên cứu cái cây và vẽ, hoặc nếu muốn bé có thể quay lại vào lúc khác hoặc ngày khác để khám phá tiếp.

Bé có thể vẽ một cái cây, hoặc thật nhiều cây.

Khi vẽ xong, hãy dán bức tranh của bé lên cửa sổ, quay ra ngoài để mọi người đi bên ngoài có thể thấy được. Nếu khu nhà bé sống có những bé khác cũng tham gia hoạt động này, thì cả khu nhà sẽ nhanh chóng có thật nhiều cây xuất hiện trên cửa sổ, giống như một rừng cây xanh!

Thẻ kể chuyện

Khám phá qua nét vẽ

Trẻ em rất thích kể chuyện. Các bé có thể kể chuyện bằng nhiều cách, nhiều ngôn ngữ khác nhau, vẽ tranh là một trong số đó. Khi vẽ, trẻ có thể làm phong phú hơn câu chuyện kể của mình bằng từ ngữ, bằng cách liên tưởng câu chuyện với những chuyện cổ tích mà bé biết, những trải nghiệm cá nhân, và những điều mới mà bé tự nghĩ ra.
Ý tưởng mà chúng tôi đề xuất ở đây được truyền cảm hứng từ một trò chơi quen thuộc sử dụng hình ảnh làm điểm xuất phát để sáng tạo nên các câu chuyện. Hình ảnh có sức mạnh dẫn dắt và khơi gợi; chúng làm cho chúng ta liên tưởng đến từ ngữ, từ đó mở ra nhiều từ ngữ khác, và sự nối kết, liên hệ từ ngữ này là trọng tâm của câu chuyện.

Gợi ý cho trẻ nhỏ:

  • Sáng tạo nhân vật cho những tấm thẻ kể chuyện.
  • Hãy nghĩ đến một vài nhân vật mà bé muốn xuất hiện trong câu chuyện của mình.
  • Đó có thể là con người, hay loài vật, có thể là nhân vật thật hay tưởng tượng.
  • Bí quyết nằm ở chỗ gắn kết những yếu tố hoàn toàn không liên quan đến nhau để rồi như nhà thơ Gianni Rodari từng nói “Trí tưởng tượng của chúng ta buộc phải vận động và tạo ra những mối liên hệ, dựng nên một khung cảnh huyền ảo nơi mà những yếu tố xa lạ lại chung sống với nhau.”

Khi bé đã chọn nhân vật của mình, bé hãy cùng với các bạn khác tưởng tượng về những nhân vật đó. Nếu đó là một người nào đó, bạn có thể hỏi bé chúng ta vẽ người đó ra sao, trong tư thế như thế nào, quần áo của người đó trông thế nào, người đó làm gì.
Tất cả những ý tưởng sẽ được chuyển hóa thành một trò chơi vui, tìm ra nhiều cách để khuôn mặt và cơ thể của chúng ta diễn tả và truyền đạt nhiều thứ.

Làm thẻ kể chuyện

Nếu nhân vật đó là con vật, bé có thể xem trong những sách về thiên nhiên, động vật, hoặc nếu bé có thể gặp những con vật đó ở ngoài như ngựa, mèo, chó, hoặc những con khác, hãy cho bé quan sát và vẽ lại chúng.
Khi đã có hình dung chi tiết về bề ngoài và tính cách nhân vật, bé có thể bắt đầu vẽ.

Trước tiên hãy cho bé quyết định kích thước của những chiếc thẻ: Những chiếc thẻ cần có cùng kích thước với nhau để khi úp lại thẻ nào cũng giống nhau, sau đó rút ra một thẻ bất kỳ mới vui, và kích thích bé sáng tạo cái mới.
Khổ A5 (15×21 cm) là kích thước tốt, vừa dễ cầm, vừa đủ để vẽ lên. Có thể dùng giấy khổ A4 cắt chiều dọc làm đôi là ra được khổ A5.

Hãy chuẩn bị sẵn bút chì màu, bút chì, bút dạ, bút màu sáp và các nguyên vật liệu khác để vẽ. Những tấm thẻ có thể được vẽ bằng nhiều kỹ thuật, chất liệu khác nhau.
Cần chăm chút cho bức vẽ nhân vật bởi vì biểu hiện của nhân vật rất quan trọng giúp soi sáng trí tưởng tượng và gợi ý cho câu chuyện.
Khi đã xong những tấm thẻ đầu tiên, hãy dừng lại một chút để suy nghĩ với các bé.

Cần bao nhiêu thẻ để hình thành câu chuyện?
Cần bao nhiêu nhân vật?
Chúng ta đã vẽ những nhân vật nào rồi?
Chúng ta muốn câu chuyện gợi lên những cảm xúc, hay gợi chúng ta nghĩ đến điều gì?

  • Những câu chuyện mang lại cảm xúc, và những cảm xúc đó chính là sức sống của câu chuyện, tạo ra hàng loạt sự kiện và diễn biến dần dần được mở ra trong câu chuyện.
  • Ngoài nhân vật, bé cũng cần nghĩ đến môi trường sống.
  • Môi trường có thể là nơi sinh sống, chẳng hạn như rừng cây, đồng cỏ, công viên hay những ngọn núi. Hoặc có thể là những nơi chốn của con người như lâu đài, hồ bơi, hội chợ, nhà ở.
  • Khi làm những tấm thẻ kể chuyện, có thể thêm những yếu tố khác như đồ vật có phép thuật, hay những hành động. Khi đã có một lượng thẻ kha khá rồi, có thể bắt đầu chơi và sáng tạo ra những câu chuyện.
  • Người chơi đầu tiên rút ra một tấm thẻ và từ hình ảnh trong tấm thẻ đó để bắt đầu câu chuyện.
  • Người chơi thứ hai tiếp tục rút một tấm thẻ, dựa vào câu mở đầu của người thứ nhất và hình ảnh của tấm thẻ mới rút để kể tiếp.
  • Có thể có nhiều cách chơi: các bé có thể thay đổi luật, tạo ra luật mới khi đã quen cách chơi.
  • Trong quá trình chơi, bé có thể phát hiện ra mình thiếu thẻ gì, tức là cần yếu tố gì cho câu chuyện mà lại chưa có tấm thẻ phù hợp. Có thể thêm yếu tố này bất cứ khi nào, và thế là bộ thẻ kể chuyện không bao giờ kết thúc.
  • Ai cũng có thể làm thẻ được. Mỗi tấm thẻ là độc nhất với thật nhiều cơ hội mở ra những câu chuyện vô tận . Câu chuyện của các bé có thể có nhiều tác giả, không chỉ bé mà còn cả ba mẹ, người lớn nữa.

Nguồn bài viết và hình ảnh: ©Reggio Children / VIRES.Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam

Bài trước:

Bài tiếp theo:

Đăng ký
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tư vấn nuôi dạy trẻ hàng ngày!

    Tham gia Cộng đồng Cha Mẹ:

    Follow Us