Một trong những sai lầm của ba mẹ khi hoạt động cùng con ở nhà đó là trong khi tương tác, ba mẹ liên tục đưa ra những nhận định và phán xét con dựa trên định kiến của chính mình. Điều đó khiến cho việc tương tác trở nên khó khăn, không khí chùng xuống và con trẻ trở nên cáu kỉnh.
Ba mẹ phải tự giải phóng mình ra khỏi những định kiến, nhất là những định kiến về con. Học cách quan sát và ở bên con một cách thuần khiết nhất. Để làm được tất cả những điều này đòi hỏi sự tập luyện với rất nhiều thời gian, bên cạnh đó, còn phải có thêm sự kiên nhẫn và kiên trì, kèm theo cả định hướng nữa.
Dưới đây là một số hoạt động tại nhà để Ba Mẹ “tập luyện” bên con:
Các hoạt động thực tiễn cuộc sống
- Rửa chén, bát, lau chùi các bình, chai, lọ… và sắp xếp chúng giống như đã đề cập ở mục cho con 2,5-3,5 tuổi.
- Trộn bột làm bánh.
- Cán bột.
- Rửa rau.
- Gọt vỏ rau củ và thu dọn vỏ sau khi gọt, cắt rau củ.
- Nhặt bỏ sạn hoặc thóc còn sót khi vo gạo.
- Đánh sữa lấy bơ.
- Nghiền nhuyễn các loại củ như khoai tây, khoai lang, chắt lấy nước me để nấu các món như là canh chua.
- Pha nước cam và nước chanh và sử dụng dụng cụ vắt.
- Giã tỏi, gừng…
- Đổ gạo, các loại đậu, gia vị… lúc mới mua về từ siêu thị/ chợ bỏ vào bình chứa.
- Thử nghiệm các vật chìm hay nổi khi bỏ vào nước bằng cách thu thập nhiều món đồ khác nhau như củ cà rốt, quả táo, cây đinh, tờ giấy, miếng vải, đoạn dây, hòn đá. Chuẩn bị một tô lớn hoặc một cái xô chứa nước và xem chuyện gì xảy ra khi thả các vật vào.
- Sau khi con đã có đủ trải nghiệm với hoạt động này, cùng ngồi với con và hỏi con trước khi thả vật xuống nước rằng vật ấy sẽ chìm hay nổi.
- Ủi đồ: có thể bắt đầu với các món đồ nhỏ như khăn ăn và khăn tay. Hãy chú ý quan sát khi con đang thực hiện để tránh gây bỏng.
- Cắt ảnh từ báo và tạp chí cũ. Lưu giữ các ảnh này trong một hộp.
- Cho con tham gia vào việc nấu nướng. Giải thích với con các bước thực hiện để nấu một món ăn. Trong khi nấu, ở mỗi bước hãy hỏi con xem bước này cần phải làm gì.
- Giới thiệu các từ như đánh trứng, khuấy, chiên, xào, luộc.
- Nhờ con làm các việc đơn giản như rắc muối, đường, tiêu, bột ớt… vào món đang cần ướp.
- Trong khi ăn, cho con biết công dụng của từng loại thức ăn đối với cơ thể của con. Ví dụ: cơm, phở, bún, miến… cung cấp năng lượng, đu đủ và cà rốt tốt cho mắt, sữa giúp xương và răng chắc khỏe…
- Cho con vài loại rau củ và chỉ cách làm món rau trộn. Khi con lớn hơn và có thể xắt những miếng mỏng, cha mẹ có thể nhờ con sắp xếp trình bày món rau trộn ra đĩa sao cho thật đẹp mắt. Việc này sẽ làm cho con cảm thấy hứng thú với việc trang trí món rau trộn.
- Chỉ cho con cách đóng mở cửa và cửa sổ, cách khóa và mở khóa cửa tủ.
- Mình gĩa đậu phộng nè!

Các hoạt động về ngôn ngữ
Lưu ý: trẻ ở môi trường Montessori sẽ được tiếp cận và học hỏi khả năng đọc viết rất tự nhiên. Bạn có thể mong đợi con của mình viết được vào khoảng 4-4,5 tuổi và đọc được vào khoảng 4,5-5 tuổi. Rất mong các bậc cha mẹ có đủ kiên nhẫn và sự tin tưởng vào phương pháp Montessori để nhìn thấy điều kỳ diệu xảy ra mà không cần bất cứ sự cưỡng ép nào.
Trò chơi đặt câu hỏi
Hãy đặt tất cả những câu hỏi phù hợp với lứa tuổi của con, ví dụ:
- Con có mấy ngón tay? Con nhện có bao nhiêu chân?
- Làm cách nào tạo ra sữa đông/ bơ/ sữa chua? Viên kẹo/ thanh xà phòng của con màu gì?…
- Trong nhà mình có bao nhiêu cái vòi nước? Nêu tên một loại chim bắt đầu bằng âm “p”?
- Bữa tối hôm qua con đã ăn gì?
Trò chơi hoàn thiện câu
Cha mẹ bắt đầu một câu, ví dụ như “Tôi thích ăn…/ Tôi thích đi…” và để con hoàn thành nốt câu đó.
Trò chơi thi hành mệnh lệnh
Đặt ra các câu lệnh để con thực hiện theo. Ví dụ: Đi chậm. Nhảy 3 lần. Đi tới cửa chính, quay lại và ngồi lên ghế. Nâng ghế lên và đặt ghế xuống mà không tạo ra tiếng ồn.
Các hoạt động nhận diện âm thanh
- Hỏi con: “Cha/mẹ thấy là trong phòng này có một đồ vật bắt đầu bằng âm “t”, con có biết đó là vật nào không?” Tiếp tục với càng nhiều âm càng tốt khi con vẫn còn hứng thú.
- Khi đang ở ngoài nhà, hỏi con: “Cha/mẹ thấy có một con chim có tên bắt đầu bằng âm “s”, con có biết tên loại chim đó không?” Tiếp tục với các sự vật, loài vật khác đang có xung quanh.
- Ngồi với con và hỏi “Con có thể nêu tên một món đồ vật bắt đầu bằng “b” không?” “Con có thể nêu tên một loài vật bắt đầu bằng âm “r” không?” “Một loài hoa bắt đầu bằng “h”?”
- Tiếp tục với các vật thuộc nhiều nhóm khác nhau.
- Nêu một từ bắt đầu bằng một âm nào đó, ví dụ “gh” ghế, và yêu cầu con đưa ra một vài từ bắt đầu với âm đó.
- Sau khi con đã được trình bày các chữ cái giấy nhám, hãy dùng nước hoặc bút chì hoặc cây que để viết các chữ cái khác nhau trên giấy, cát… và để cho con nhận diện các chữ đó. Dùng kiểu chữ viết tay, có chân nối liền.
- Nêu một âm và yêu cầu con đi kiếm chữ cái đại diện cho âm đó ở trong báo, túi giấy, hộp, lon, bảng tên… Phải đảm bảo rằng các chữ cái bạn chỉ cho con thấy không phải là chữ in hoa.
- Viết tất cả các chữ cái mà con đã biết và sử dụng trong Ngôi Nhà Trẻ Thơ lên các tấm thẻ riêng biệt. Dùng kiểu chữ viết tay có nét nối liền. Yêu cầu con lấy từng thẻ đặt lên các vật khác nhau bắt đầu bằng âm trên thẻ. Sau đó yêu cầu con đặt thẻ lên các vật kết thúc với âm đó.
- Đưa cho con một tờ báo hoặc tạp chí và yêu cầu con khoanh tròn tất cả các chữ cái, một chữ trong một lần chơi. Ví dụ: khoanh tròn tất cả chữ m, tất cả chữ p…
- Viết một chữ cái lên một tờ giấy và yêu cầu con nêu tên một số vật bắt đầu với âm đó.
- Không bao giờ ép con viết. Hãy để con tự làm khi đã sẵn sàng.
- Để con kể một câu chuyện do chính con nghĩ ra, bạn viết lại câu chuyện đó và đọc cho con nghe.
- Hãy cho con tham gia khi bạn viết thư gửi cho bạn bè, người thân. Hỏi con muốn nói điều gì với người nhận và thay mặt con viết điều đó vào lá thư. Khi con lớn hơn, con sẽ có thể tự viết thư.
- Hãy trao trách nhiệm bỏ thư vào hòm thư cho con.
- Thu thập các bài báo hữu ích từ báo và tạp chí để sau này có thể dùng đến.
- Cho con tham gia khi bạn đang đọc báo. Bạn có thể đọc to lên hoặc giải thích một vài điểm nào đó mà bạn nghĩ con có thể hiểu được.
- Bạn có thể chỉ các chữ cái khác nhau và yêu cầu con nhận diện chúng. Tránh bắt đầu với các chữ in hoa.
Trò chơi trí nhớ
- Cho con xem một bức ảnh. Nói về tất cả vật có trong bức ảnh đó rồi cất ảnh đi. Sau đó đề nghị con nêu ra càng nhiều các vật mà con nhớ được càng tốt.
- Đặt một vài món đồ lên bàn. Cho con nhìn các vật đó trong một khoảng thời gian, rồi bịt mắt con hoặc nói Con quay lưng lại hoặc bạn che các đồ vật đó lại hoặc nói con đi sang phòng khác. Sau đó đề nghị con nêu ra càng nhiều các vật mà con nhớ được càng tốt.
- Đặt một vài món đồ lên bàn và cho con quan sát chúng thật kỹ càng trong một khoảng thời gian. Sau đó nói con nhắm mắt. Bạn giấu đi một món sau đó đề nghị con mở mắt ra và nói cho bạn biết món nào đã bị giấu đi.
- Tùy thuộc vào khả năng của con, bạn có thể tăng dần số lượng tổng đồ vật và cũng có thể tăng dần số lượng vật được giấu đi.
- Sau khi con đã thành thục với trò chơi bịt mắt nêu tên các đồ vật, hỏi con làm sao con lại nhận biết được đó là trái banh vải hay hộp que diêm hay cây bút chì. Cách này giúp con sử dụng các từ ngữ mô tả như dài, mềm, cứng, mỏng, hình trụ…
- Thường xuyên đi dạo bộ cùng con. Có rất nhiều việc có thể làm khi đi dạo. Hãy nói về việc phải luôn đi ở lề bên phải, nói về tín hiệu giao thông, luật giao thông, về các phương tiện giao thông khác nhau mà bạn thấy trên đường, về các âm thanh khác nhau, về các loài động thực vật khác nhau có ở trên đường đi, về vũng bùn, các hòn đá, về cát, sỏi…
- Dành thời gian nghe nhạc hoặc cùng hát với nhau. Bạn có thể thu âm giọng nói và giọng hát của nhau.
- Nói với con về các bộ phận bên trong cơ thể như tim, não, phổi, thận, khí quản, thực quản, dạ dày, ruột… và về các cơ, khớp và xương, như xương gò má, xương sườn và xương sống.
- Chỉ cho con cách cảm nhận các xương, mạch máu, xương sống, xương sườn …của mình.
- Lắng nghe nhịp tim của nhau và các âm thanh khác phát ra từ dạ dày.
- Tăng cường vốn từ vựng của con bằng cách cho con biết tên các bộ phận khác nhau của xe hơi, xe máy, xe đạp,…
Các hoạt động cảm quan
- Sau khi con đã biết tên nhựa, gỗ, thép…, yêu cầu con đi một vòng và tìm tất cả các đồ vật làm bằng nhựa. Tiếp đến, hãy tìm các đồ bằng gỗ, các đồ vật làm bằng thép…, mỗi lần tìm là một loại chất liệu.
- Khi đi ra ngoài hay ở trong nhà, lấy một đồ vật bất kỳ như: một hộp nhựa, cái rổ, cái bàn, bông hoa, chiếc lá, cuốn sách, hòn đá… và nêu lên tất cả thuộc tính vật lý của món đồ đó cho con nghe như là màu sắc, hình dạng, mùi, nhiệt độ, kết cấu, vị, cân nặng… Ví dụ: cái bàn có màu nâu, hình chữ nhật và bề mặt trơn láng.
- Tự tạo ra các tranh ghép cho con chơi. Chọn một vài bức ảnh chất lượng từ báo hay tạp chí và dán lên tấm bìa cứng. Cắt ảnh thành các hình dạng khác nhau và để con ghép lại. Bảo quản mỗi tấm tranh ghép trong một phong bì.
- Ngân nga giai điệu của các bài hát quen thuộc cho con nghe và hỏi con có nhận ra bài hát nào không. Bạn có thể thay phiên để con ngân nga và mình đoán tên bài hát.
- Chuẩn bị một vài màu sơn và cho con thấy cách tạo ra màu mới bằng cách pha trộn 2 màu vào với nhau.
- Khi nhà cúp điện, thắp một ngọn nến trong phòng và chơi với bóng. Tạo bóng của con chó, con dê… bằng ngón tay cho con xem. Cho con thấy bóng to dần và nhỏ dần tương ứng với lúc bạn di chuyển tay lại gần và ra xa bức tường
- Tiếp tục với các hoạt động khám phá màu sắc và hình dạng giống như đã đề cập ở mục cho con 2,5-3,5 tuổi.
- Đặt một vài món đồ trước mặt con, yêu cầu con nâng vật và cảm nhận độ nặng của chúng, rồi tìm ra món nào nhẹ nhất và nặng nhất. Sau đó, chơi trò dự đoán: cho con xem 2 vật và hỏi con đoán vật nào nặng hơn, vật nào nhẹ hơn. Yêu cầu con sắp xếp các đĩa và các nắp có trong bếp từ lớn đến nhỏ.
- Chuẩn bị nhiều loại vật liệu có thể tạo ra âm thanh khác nhau khi gõ vào. Yêu cầu con nhắm mắt và bạn tạo ra tiếng động với từng món, rồi yêu cầu con đoán âm thanh tạo ra từ vật nào. Sử dụng sách, hộp nhựa, ly inox, nước (đổ nước từ ly này sang ly khác để nghe được tiếng nước chảy)…
- Tạo hình con vật!

Các hoạt động về số học
Đưa ra các câu lệnh để con làm theo. Ví dụ: Nhảy 4 cái. Chạm vào tường 9 lần. Cười 5 lần. Vỗ tay 0 lần. (chỉ sử dụng các số lượng từ 0-10).
Một số câu lệnh khác có thể sử dụng như:
- Đem về 4 hòn đá. Đem về 6 chiếc lá.
- Đặt 7 cái muỗng lên bàn. Rửa 6 trái cà chua. Gọt 1 củ cà rốt.
- Khuyến khích con trả các vật đem đến trở về chỗ cũ sau khi lấy cho bạn xem.
- Đưa cho con một số hộp đựng với nhiều kích thước khác nhau, và một số món như quả chanh, hành tây/ khoai tây kích thước giống nhau. Cho con thử nghiệm và tìm ra bằng cách đếm xem cần bao nhiêu các loại củ quả trên để nhét đầy mỗi hộp đựng.
- Trong khi đi dạo, đề nghị con đọc số nhà. Thời gian đầu con có thể đọc số “12” thành “một, hai” hoặc “một mười và hai đơn vị”. Hãy chỉ ghi nhận cách đọc của con, bạn không nên chỉnh sửa con lúc này.
- Tạo rất nhiều các thẻ và viết số từ 1 đến 10 lên thẻ. Thu thập 55 que diêm đã sử dụng. Để con sắp xếp các thẻ từ 1 đến 10 và xếp số que diêm tương ứng dưới mỗi thẻ.
- Trong khi đi mua sắm cùng con, bất cứ khi nào có thể, hãy cho con cơ hội trả tiền cho người thu ngân và lấy phần tiền thừa.
- Khi con đang ăn trái cây như: hồng xiêm, bưởi, mãng cầu hay cam, hãy yêu cầu con đếm số hạt của từng trái.
- Đặt các câu hỏi như “Số nào đứng trước 7?”, “Số nào đứng sau 5?”, “Có mấy số 0 trong số 10?”, “Có mấy số 0 trong số 1000?”
- Yêu cầu con: “Đếm số muỗng có trong bếp. Đếm số trái đu đủ có trên cây. Đếm số hoa có trong lọ,…”
- Viết chữ số lên bảng đen hoặc tờ giấy và để con nhận biết số đó.
- Bạn đọc một vài con số để con ghi lại.
- Chơi một trò chơi. Bạn bắt đầu và nói “một”, để con nói “hai” rồi ngừng ở “mười”. Khi con học được nhiều số hơn, bạn có thể đếm đến 20, 30, … 100.
- Với bất kỳ sản phẩm nào con đã hoàn thành, hãy trân trọng và khuyến khích con làm tốt hơn nữa, rồi viết ngày tháng lên đó và lưu trữ lại. Không nên mua các sách tô màu có vẽ sẵn hình vì chúng sẽ giới hạn khả năng sáng tạo của con.
- Không dạy con vẽ. Hãy chờ đến lúc con tự mình vẽ. Bạn có thể kích thích bằng cách vẽ các vật khác nhau như các hình dạng, các vật dụng trong gia đình đang ở ngay trước mặt con và yêu cầu con chỉ ra vật được vẽ.
- Vẽ các dạng hình học khác nhau như hình tam giác hoặc hình vuông… và yêu cầu con tô đầy hình mới vẽ bằng các đường thẳng. Vẽ các hình có đường cong như hình bầu dục, hình elíp, hình tròn…và yêu cầu con tô đầy các hình bằng các đường cong. Khi mới bắt đầu, con sẽ vẽ các đường xa nhau. Dần dần, con sẽ học được cách vẽ các đường sát nhau.
- Bạn có thể cho con xem các hoạt động như là dùng mặt cắt rau củ chấm mực và in lên giấy tạo ra các hoa văn, đè một tờ giấy lên một chiếc lá và dùng bút tô lên tờ giấy để hiện ra các gân lá và mặt lá lên giấy.
- Bắt đầu việc thêu với mặt sau của một chiếc thiệp mừng đã qua sử dụng. Vẽ một hình đơn giản, ví dụ như: một hình tam giác, hình tròn hay một ngôi nhà lên tấm bìa cứng, rồi tạo các lỗ dọc theo đường viền. Cho con xem cách xâu kim và thêu theo đường viền.
Hoạt động số học ở nhà cho trẻ từ 3,5 – 4,5 tuổi Ứng dụng hoạt động số học ở nhà cho trẻ
Các hoạt động bên ngoài ngôi nhà
- Tưới cây, nhổ cỏ dại, gieo các loại hạt khác nhau, gieo củ hành.
- Đi dạo ở khu phố và chỉ cho con biết đường chính, ngã giao nhau…
- Mỗi ngày chọn các lộ trình khác nhau để đi đến trường.
- Khi đi tới một địa điểm nào đó, hãy đi các con đường khác nhau và khi về cũng thay đổi tuyến đường để con tìm ra tuyến đường nào dài hơn, tuyến nào ngắn hơn.
- Cùng đi với con đến bưu điện. Chỉ cho con thấy cách bỏ thư vào hòm và giờ lấy thư được in trên hòm. Nói cho con nghe về người đưa thư, về bưu điện và cách thư được phát đến các địa điểm khác nhau.
- Khi đi ra khỏi trạm xe/ tàu…, nói với con tên các tất cả các nơi mà chuyến xe/ tàu đi qua.
- Cùng con chơi một số trò chơi ngoài trời. Lắp một cái rổ ở bên ngoài và đề nghị con ném bóng vào rổ.

Các hoạt động khoa học
- Làm cho con một cái chong chóng và cho con cảm nhận lực của gió bằng cách đặt chong chóng theo nhiều hướng khác nhau.
- Chuẩn bị một cây lược và vài mảnh giấy nhỏ. Chải tóc vài lần rồi đưa giấy lại gần mảnh giấy và quan sát chuyện gì sẽ xảy ra.
- Lấy một ly nước, đậy nắp lại và xem chuyện gì xảy ra khi úp ngược ly xuống.
- Thắp một ngọn nến rồi úp một chiếc ly thủy tinh trong suốt lên và xem chuyện gì sẽ xảy ra.
- Giải thích cho con biết tại sao máu lại đông và chuyện gì xảy ra nếu máu không đông.
- Nói với con về cách lấy nước từ bể chứa vào thùng chứa và chỉ cho con thấy các loại ống nước được nối với các vòi nước khác nhau ở trong nhà. Cho con biết các ống nước nằm âm ở trong tường.
- Aaaaaa! Nước không đổ xuống nè!!!!!
Nguồn: Tham khảo, trích dẫn có chỉnh sửa từ sách “Take Montessori Home – Đưa Montessori về nhà”, phát hành bởi Trung tâm Montessori Ấn Độ – IMC, dịch và lưu hành nội bộ bởi Trung tâm Montessori Việt Nam – VMC
VMC – TRUNG TÂM MONTESSORI VIỆT NAM