Những hoạt động ở nhà cho con (Từ 4.5 – 5 Tuổi)

Khi trẻ được tự do hành động theo nhu cầu phát triển của mình thì trẻ thường lặp đi lặp lại rất nhiều lần nhiều hành động khác nhau. Với người lớn sự lặp lại này dường như là vô nghĩa. Người lớn không nhận ra được mục đích thực sự của việc trẻ tự rửa tay hay cọ rửa một chiếc bàn và rửa đi rửa lại đến 20 lần là gì.

Thực ra, đây lại là biểu hiện thông thường đặc trưng của sự phát triển không bị cản trở và nó sẽ luôn xuất hiện ở những nơi được cung cấp các điều kiện đúng đắn cho sự phát triển đó. Mỗi hoạt động phát triển có động lực nội tại và huyền bí riêng của nó và trẻ tuân theo động lực ấy. Những động lực bên ngoài chỉ giúp tiếp cận tới những động lực nội tại này và khuyến khích hoạt động xây dựng của trẻ. Trẻ sẽ nhanh chóng bỏ qua mục đích bên ngoài và tiếp tục hoạt động nội tại lặp đi lặp lại cho đến một lúc nào đó chúng ta không thể đoán trước hay lý giải được nữa và vì thế chúng ta nên tôn trọng!

Dưới đây là những hoạt động gợi ý để Ba Mẹ hỗ trợ cho trẻ một môi trường thuận lợi ở độ tuổi từ 4.5 – 5 tuổi:

Các hoạt động đời sống thực tiễn

  • May vá: Chuẩn bị một vài tấm vải, kim và một số ống chỉ màu.
  • Vẽ sẵn một số hình vẽ thiết kế trên vải. Chỉ cho con cách xâu chỉ vào kim.
  • Bắt đầu với mũi khâu thường. Dần dần giới thiệu các mũi khâu khác.
  • Chỉ cho con cách may nút áo khoác, nút bấm và khuy móc.
  • Giúp con hiểu cách mưa được hình thành bằng việc giải thích hiện tượng bốc hơi và ngưng đọng ở trong bếp.
  • Nếu bạn có cân nhà bếp, bạn có thể để con tham gia việc cân bằng cách nhờ con cân cho bạn lượng nguyên liệu mà bạn cần để nấu nướng, ví dụ 250 gram đậu, 01 ký cà chua, nửa ký gạo,…
  • Chỉ cho con cách giặt quần áo.
  • Trong khi dùng bữa với nhau, nhắc đến các cụm từ như: chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin A, B, C, D, canxi, chất sắt,… và nói cho con biết cách mỗi loại chất tác động đến cơ thể của chúng ta và những điều sẽ xảy ra nếu như chúng ta sử dụng chúng không đúng cách.

Các hoạt động ngôn ngữ

Trò chơi hỏi đáp:

  • Đặt những câu hỏi phù hợp với trình độ của con ví dụ như: Tên của đất nước chúng ta là gì. Canxi có vai trò như thế nào đối với cơ thể của chúng ta. Chúng ta gọi con bò con là gì? Tỉnh thành lớn nhất của Việt Nam là gì?
  • Khi bạn đang chờ đợi sự bùng nổ hoạt động viết của con hãy chuẩn bị những dụng cụ sử dụng cho việc viết và để chúng sẵn sàng trên kệ.
  • Con của bạn có thể sẽ thể hiện mong muốn được viết khi mà con sẵn sàng. Bạn cũng có thể viết trên giấy hoặc bảng để khuyến khích con.
  • Một khi con đã bùng nổ hoạt động viết, con có thể muốn viết bất kỳ điều gì mà con nghĩ đến mà sẽ không hỏi bạn về chính tả. Con sẽ viết là “cệ” thay vì “kệ”, viết “gi” thay vì “ghi… Cách viết của trẻ là chính xác về mặt ngữ âm.
  • Hãy đừng sửa con bởi vì trẻ sẽ đánh mất sự tự tin và niềm yêu thích với hoạt động viết. Vì thế hãy cho con sự tự do để viết mà không cản trở con. Hãy nhớ rằng về mặt chính tả trong Tiếng Việt và các ngôn ngữ khác đều có một số trường hợp không đúng quy tắc ngữ âm. Trường hợp thứ nhất là hai ký tự được sử dụng cho cùng một âm, ví dụ : C và K trong CÚN và KEM . Trường hợp thứ hai là sử dụng một ký tự cho hai âm. Chính vì thế đừng đổ lỗi cho phương pháp, những trường hợp đó tồn tại trong mỗi ngôn ngữ.
  • Dần dần con sẽ học thêm được các trường hợp về chính tả này thông qua các hoạt động mà con được giới thiệu ở Ngôi Nhà Trẻ Thơ. Hơn nữa khi con bùng nổ hoạt động đọc, con đọc càng lưu loát và càng chú ý đến những sự bất quy tắc ở trong ngôn ngữ thì con sẽ khám phá được nhiều và nhiều hơn nữa các trường hợp liên quan đến chính tả.
  • Khi con bắt đầu viết đừng gợi ý cho con sao chép từ một cuốn sách thay vì đó gợi ý cho con những ý tưởng nào mang tính sáng tạo hơn.
  • Mời con viết một vài từ bắt đầu với phụ âm đôi ví dụ như “kh”, “ch”, “ng”, “th”…
  • Khuyến khích con viết các chữ cái và các câu chuyện.
  • Bạn có thể nhờ con viết danh sách mua sắm.
  • Hãy trân trọng bất kỳ những gì con viết. Không sửa lỗi của con.
  • Không bao giờ yêu cầu con đọc cái mà con vừa viết. Hãy đợi cho đến khi con bùng nổ hoạt động đọc.
  • Yêu cầu con nhớ lại và nói cho bạn biết những gì đã xảy ra vào ngày hôm qua và ngày hôm kia.
  • Chơi trò chơi “passing the secret” “trò chơi nói thầm” với con bạn và những trẻ khác.
  • Đừng nhận xét tác phẩm của mình nhé!

Các hoạt động số học

  • Viết tất cả các số từ 1-100 trên giấy kẻ ô ly, bạn đọc một con số bất kỳ và yêu cầu con gạch chéo con số đó với bút chì.
  • Viết một con số lớn ví dụ 6789 hoặc 2905 hỏi con đâu là đơn vị, đâu là mười, đâu là trăm, đâu là ngàn.
  • Đọc một con số lớn và nói con viết nó xuống.
  • Từ lúc này về sau, con có thể xem đồng hồ và nói cho bạn biết thời gian.
  • Để giúp con hiểu ý nghĩa của ngày, tuần và tháng, yêu cầu con hàng ngày dùng bút chì gạch chéo tên của ngày đó ở trên lịch. Bạn cũng có thể yêu cầu con gạch chéo cả tháng ở ngày cuối cùng của mỗi tháng.
  • Đưa lịch cho con và nói con đếm số ngày của mỗi tháng.
  • Bất cứ lúc nào và bất cứ khi nào có thể, ví dụ như khi bạn đang đánh răng hoặc đang lau chùi, yêu cầu con đếm đến 100 và xem thử bạn có thể hoàn thành công việc mà bạn đang làm trong khoảng thời gian mà con đếm không.
  • Khi bạn gọi điện thoại cho ai đó hoặc bất cứ khi nào có thể hãy nhờ con bấm số giúp bạn.

Các hoạt động cảm quan

  • Bịt mắt con lại và yêu cầu con đi bộ đến những phòng khác nhau trong nhà. Bạn cũng có thể yêu cầu con tìm xem bạn ở đâu.
  • Bịt mắt con lại và yêu cầu con đi xung quanh và chạm một số thứ mà bạn gọi tên. Sau đó hỏi con làm cách nào mà con nhận diện được chúng.

Các hoạt động lịch sử

  • Chuẩn bị một bảng “dòng thời gian” (time-line) của cuộc đời của con. Chuẩn bị một tờ giấy dài chia nó thành 6 hoặc 7 phần theo chiều ngang và chia thành 2 phần theo chiều dọc. phần không gian phía bên trái dùng để dán các bức ảnh vào và phần bên phải để cho con viết vào khi con sẵn sàng để viết.
  • Lựa chọn các tấm ảnh của con, mỗi tấm mỗi năm từ con sinh ra cho đến hiện tại và dán chúng lên tấm giấy lần lượt cái này dưới cái kia. Những dòng còn lại để trống cho những năm tiếp theo trong tương lai.
  • Nói chuyện với con nhiều lần về nhiều sự kiện khác nhau đã xảy ra từ khi con sinh ra cho đến bây giờ và về sự thay đổi của con từ năm này qua năm khác.

Các hoạt động nghệ thuật và thủ công

  • Nói con lấy những bức ảnh mà con đã cắt và sưu tập lại.
  • Đưa cho con một quyển vở để vẽ hoặc một vài tờ giấy rời.
  • Hãy để con phân loại những bức ảnh đó dựa trên những nhóm danh mục khác nhau như: chim, thú, hoa, côn trùng…
  • Viết những đầu đề khác nhau trong cuốn vở vẽ như là phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, phòng tắm… mỗi đề mục mỗi trang. Yêu cầu con dán những bức ảnh của những thứ khác nhau tìm thấy trong nhà vào trang tương ứng của nó.

Ví dụ: tủ lạnh, bếp gas… Được dán dưới đề mục “Phòng Bếp”, và kem đánh răng, xà phòng… được dán dưới đề mục “Phòng Tắm”.

  • Chỉ cho con cách phết keo để dán ảnh lên những tờ giấy.
  • Chuẩn bị một các hộp để sưu tập tất cả những đồ mà chúng ta sẽ cần để sử dụng cho việc sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mới ví dụ: lông chim, giấy gói quà, vải vụn…
  • Giúp con sưu tập nhiều loại lá khác nhau và ép chúng ở giữa cuốn sách. Sau này yêu cầu trẻ dán chúng vào một cuốn sổ.
  • Lên kế hoạch với bạn bè của bạn và những người hàng xóm để tổ chức một chương trình tạp kỹ tại nhà của bạn. Tất cả các con và phụ huynh đều có thể tham gia. Mỗi người đều có thể biễu diễn bất kỳ tiết mục nào mà họ tự tin như là hát, múa, nhảy, đóng kịch, kể chuyện, kể chuyện hài… Chúng ta có thể lên kế hoạch cho một chương trình đố vui.

Nguồn: Tham khảo, trích dẫn có chỉnh sửa từ sách “Take Montessori Home – Đưa Montessori về nhà”, phát hành bởi Trung tâm Montessori Ấn Độ – IMC, dịch và lưu hành nội bộ bởi Trung tâm Montessori Việt Nam – VMC

VMC – TRUNG TÂM MONTESSORI VIỆT NAM

Đăng ký
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tư vấn nuôi dạy trẻ hàng ngày!

    Tham gia Cộng đồng Cha Mẹ:

    Follow Us