Giúp trẻ nhận biết sự hiện diện của không khí và thu hút trẻ khám phá qua các thí nghiệm đơn giản để chứng minh “không khí thật sự tồn tại” qua phương pháp Montessori là điều thật sự thú vị mà bố mẹ nên tìm hiểu. Không khí ở đâu? Làm thế nào để nhận biết không khí? Tham khảo bài viết này để cùng trẻ giải đáp những thắc mắc đó nhé!
Không khí ở đâu?
Không khí có các tính chất là: trong suốt, không màu, không mùi, không vị và không có hình dạng nhất định. Không khí có ở khắp mọi nơi, trong mọi vật và trong các chỗ rỗng bên trong các vật.

Sự hiện diện của không khí
Trước hết, chúng ta chỉ nhận ra sự hiện diện của không khí chứ không thể nhìn thấy. Bạn lấy một chai nhựa rỗng và bảo trẻ làm bẹp (chẳng hạn bằng cách ngồi lên trên!). Trẻ sẽ thích làm việc đó và chai sẽ bẹp. Sau đó, bạn đưa cho trẻ một chai rỗng khác, đồng thời lưu ý trẻ rằng chai đã bị đóng nút. Lần này thì trẻ không thể làm bẹp chai được. Đến lượt bạn thử, nhưng cũng không được, bởi lẽ, bên trong có không khí và nút chai ngăn không cho không khí thoát ra ngoài. Tiếp theo, bạn chuẩn bị một bát to nước và một chai nhỏ rỗng. Bạn hỏi trẻ xem chai có rỗng không, trẻ xem rồi trả lời rằng chai rỗng. Bạn cắm đầu chai xuống nước rồi nghiêng chai nhẹ nhàng mà không nhấc chai ra khỏi nước và quan sát thấy bong bóng nổi lên. Chai không hề rỗng, nó chứa đầy không khí.
Chúng ta bảo trẻ lặp lại hoạt động bao nhiêu lần tùy thích, rồi hướng dẫn trẻ đổ nước đi, lau khô bát và chai như thế nào để trẻ có thể kết thúc hoạt động và làm lại một mình.
Không khí bao phủ khắp không gian
Bạn chuẩn bị một chai bằng thủy tinh, một cái phễu, bột nặn và một bình nước.
Chúng ta đặt phễu lên miệng chai rồi bảo trẻ đổ nước từ bình vào chai. Nước chảy vào trong chai. Bạn đổ lại nước vào bình rồi lại đặt phễu lên miệng chai, nhưng lần này bạn bịt kín không gian giữa cổ chai và cái phễu bằng bột nặn. Không khí không lọt qua được.
Bạn lại bảo trẻ rót một chút nước vào phễu và trẻ sẽ quan sát thấy nước không chảy xuống chai nữa! Bột nặn đã ngăn không khí có trong chai thoát ra. Không khí đã chiếm hết không gian, không còn chỗ cho nước nữa. Trải nghiệm này giúp trẻ nhận thấy rằng không khí không chiếm tất cả không gian còn trống. Nhận ra sự hiện diện của không khí là điều rất kỳ diệu ở đó vì không nhìn thấy nó.
Một vài thí nghiệm về sự tồn tại của không khí
Bố mẹ hãy cùng với trẻ làm một vài thí nghiệm dưới đây, vừa là hoạt động vui chơi vừa giúp trẻ tìm tòi và tìm ra câu trả lời chứng minh cho sự tồn tại của không khí.
Ngọn nến tắt
Bạn chuẩn bị hai ngọn nến, que diêm, cốc nhỏ đựng cát và hai lọ bằng thủy tinh có kích cỡ khác nhau. Đặt hai ngọn nến lên bàn và thắp sáng (để tắt que diêm mồi, bạn dụi nó vào trong cát). Cùng trẻ quan sát hai ngọn nến một lúc. Sau đó, bảo trẻ chọn một lọ, còn bạn lấy lọ còn lại. Cùng với trẻ lật ngược lọ, úp lên hai ngọn nến rồi quan sát ngọn lửa. Ngọn nến trong lọ to hơn sẽ lâu tắt hơn.
Trải nghiệm này giúp trẻ suy luận. Thông qua trao đổi, có thể giúp trẻ hiểu hiện tượng: lửa cần có không khí để cháy; lửa sử dụng không khí có trong lọ và khi hết không khí, lửa sẽ tắt. Lọ to chứa nhiều không khí hơn, vì vậy ngọn lửa cháy lâu hơn.
Nước dâng lên
Trên khay, bạn đặt một chiếc đĩa trong suốt, một lọ thủy tinh, một bình nước nhỏ, một ngọn nến, diêm và một cốc đựng cát.
Bạn đổ nước vào đĩa rồi nhẹ nhàng đặt nến xuống nước và bật diêm (rồi dụi diêm vào cát để tắt). Tiếp theo bạn úp lọ vào ngọn nến. Trẻ sẽ chăm chú quan sát ngọn nến cháy. Như trong trải nghiệm trước, ngọn nến nhanh chóng tắt lịm và chính lúc đó, nước dâng lên trong lọ! Ngọn lửa tiêu thụ không khí có trong lọ, tạo thành khoảng trống để nước dâng lên. Đây là một trải nghiệm quan sát rõ nên rất thành công.
(Hoạt động này cũng như hoạt động trước, chỉ được cho trẻ tự thực hiện khi có người lớn bên cạnh.)
Nổi – chìm
Chúng ta cần có: một bát to bằng thủy tinh, một bình nước, một giỏ chứa ít nhất mười đồ vật, hai nhãn ghi (nổi và chìm) và một khăn để lau đồ vật. Đổ đầy nước vào bát rồi giải thích cho trẻ rằng bạn sẽ để các đồ vật xuống nước và quan sát kết quả. Bạn lấy vật đầu tiên (chẳng hạn một nút chai) rồi nhẹ nhàng đặt xuống nước. Bạn quan sát và thông báo: “Nút chai nổi!”
Bạn lấy nút chai ra khỏi nước, dùng khăn lau khô rồi để xuống bàn về phía biển ghi “nổi”. Bạn làm lại với vài đồ vật và chia các đồ vật vào vị trí chìm và nổi. Sau đó, để trẻ tiếp tục phân loại. Dĩ nhiên, chúng ta giới thiệu từ vùng nổi và chìm, ngay cả khi trẻ đã biết các từ đó. Trẻ có thể tự thực hiện hoạt động này một mình. Bạn nhớ thay đổi đồ vật trong giỏ để duy trì sự hiếu kỳ của trẻ. Trẻ cũng có thể tìm kiếm những đồ vật nhỏ xung quanh để quan sát điều gì xảy ra khi đặt chúng xuống nước. Trẻ có thể đoán trước. Một ngày khác, bạn có thể thực hiện hoạt động này với các loại chất lỏng: dầu và si-rô cây phong. Bạn đổ ít dầu vào trong bát nước, dầu nổi (dầu nhẹ hơn nước). Sau đó, bạn đổ vào một ít si-rô cây phòng, si-rô chìm vì nặng hơn nước.
Thuyền bằng bột nặn
Bạn bảo trẻ thử xem một viên bột nặng có nổi không. Trẻ cho xuống nước và quan sát thấy viên bột chìm. Bạn sấy khô viên bột, cuộn lại thành hình cái đồi lợn, nó vẫn chìm. Bây giờ, chúng ta làm bẹp bột thành hình cái đĩa dẹt, nó cũng chìm. Cuối cùng, bạn nặn bột thành một cái thuyền nhỏ rồi đặt lên mặt nước: Nó nổi! Bạn để cho trẻ thí nghiệm những gì mình muốn với bột nặn, trẻ sẽ tự nhận thấy rằng vật càng rỗng thì càng nổi. Khi trẻ làm xong, hãy bày cho trẻ cách đổ nước đi, lau chùi và cất dọn.
Không khí nóng
Nếu không khí trở nên nóng hơn thì sẽ có hiện tượng gì xảy ra?
Không khí nóng bốc lên cao
Để thực hiện trải nghiệm này, chúng ta cần phải có: một chiếc đĩa giấy đường kính khoảng 10cm, kéo, kim đan, một khuy bấm to (chúng ta sẽ chỉ sử dụng một trong hai phần thôi). Bạn giải thích với trẻ rằng, bạn sẽ làm một hình xoắn ốc quay nhờ vào khí nóng. Bạn vẽ hình xoắn ốc lên đĩa giấy (khoảng năm vòng) rồi cắt đến tận điểm giữa. Khi đó chỉ còn hình tròn to bằng khuy bấm. Với chiếc kim đan, bạn dùi vào giữa hình tròn ấy rồi ấn phần lồi của khuy bấm vào đó. Đặt phần lõm của khuy bấm lên đầu mũi kim đan, vòng giấy sẽ rủ xuống quanh chiếc kim đan. Bạn giữ hình xoắn ốc thăng bằng trên chiếc kim ở phía trên một nguồn khí nóng, như một chiếc lò sưởi chẳng hạn. Hình xoắn chuyển động ngay lập tức!
Không khí nóng bốc lên và làm cho hình xoắn quay. Hình xoắn có thể được giữ bằng chiếc kim đan và khuy bấm, để trẻ làm lại vào một lúc khác. Nếu trẻ muốn tự làm hình xoắn, hãy đưa cho trẻ một đĩa bằng giấy để cắt (có sẵn nét vẽ) và hãy giúp đỡ trẻ nếu cần.
Không khí nóng nở ra
Bạn cần có: một chai nhỏ, một bát to, một quả bóng bay và một bình nước sôi. Bạn luồn miệng quả bóng quanh cổ chai, đổ nước nóng vào bát rồi đặt chai vào nước. Quả bóng nhanh chóng phình to và dựng lên! Trẻ thấy tuyệt làm sao! Nhưng chuyện gì đã xảy ra?
Từ những thí nghiệm trước, trẻ đã biết rằng chai không rỗng. Nước nóng khiến chai và không khí bên trong nóng lên. Không khí nóng chiếm nhiều chỗ hơn, được gọi là nở ra. Chai không còn đủ chỗ cho không khí nữa nên nó tràn lên quả bóng. Nếu để cho chai nguội đi, quả bóng sẽ xẹp xuống. Bạn lại chuẩn bị một bình nước nóng để cho trẻ có thể tự làm hoạt động đó.
Thể tích
Bạn cho trẻ xem hai chiếc bình có cùng thể tích, những với hình dáng khác nhau: một cái bình dài, hep và một bình thấp nhưng rộng. Bạn hỏi xem theo trẻ thì bình nào chứa được nhiều nước hơn. Chắc trẻ sẽ cho rằng đó là bình dài. Bạn hãy bảo trẻ tự kiểm tra. Trẻ sẽ lấy nước, đổ đầy bình đó rồi bạn hỏi trẻ: Theo con, chuyện gì sẽ xảy ra khi ta rót nước từ bình này sang bình kia? Hẳn là trẻ sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy rằng nước không bị trào ra. Toàn bộ nước trong bình này đều được chứa ở trong bình kia.
Bạn thảo luận với trẻ rằng, nước lựa theo hình dáng của vật chứa. Hai chiếc bình tuy hình dáng rất khác nhau nhưng lại có cùng thể tích: cái thì dài nhưng hẹp còn cái thì thấp nhưng rộng. Bạn có thể tiếp tục thí nghiệm với việc đổ nước vào hai bình có thể tích khác nhau và chơi với trẻ để đoán xem bình nào chứa được nước nhiều hơn. Để làm được việc này, bạn cần một cốc đo thể tích. Đến lượt trẻ lấy cái hai bình, dùng cốc đo thể tích để đo rồi cho chúng ta đoán!
“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”