Theo bản năng, trẻ nhỏ thường bị cuốn hút bởi các động vật sống. Trẻ thích quan sát và chăm sóc chúng, việc đó khơi dậy tình yêu thương, trách nhiệm cùng thái độ ân cần và chăm chút của trẻ. Bằng cách dõi theo sự tò mò của trẻ về thế giới xung quanh, chúng ta có thể mang đến cho trẻ những thông tin cụ thể và phong phú về thế giới động vật quan phương pháp Montessori. Trẻ thích tìm hiểu về cuộc sống.

Sống và không sống
Đây là cách phân loại đầu tiên mà chúng ta dạy trẻ: phân biệt giữa sự vật sống và không sống. Chúng ta in mười thẻ với các hình ảnh đại diện cho các sinh vật sống và mười thẻ đại diện các yếu tố không sống, với hai biển ghi “sống” và “không sống”.
Hãy bắt đầu cùng trẻ trao đổi về cách phân biệt sinh vật sống và vật không sống. Các sinh vật sống đều được sinh ra, lớn lên và chết đi. Các sinh vật sống đều được sinh ra, lớn lên và chết đi. Các sinh vật sống đều được nuôi dưỡng, hít thở và có thể sinh sản. Chúng ta có thể tìm ở quanh mình những sinh vật sống và những vật không sống. Tiếp theo, chúng ta giới thiệu cách phân loại, đặt những biển ghi “sống” và “không sống” ở trên cùng. Phía dưới, chúng ta đặt thẻ được phân loại tương ứng. Trẻ có thể thực hiện hoạt động một mình và sửa sai nhờ vào bảng đáp án phân loại.
Động vật và thực vật
Đây là giai đoạn thứ hai trong phân loại. Bạn in mười thẻ đại diện cho thực vật và mười thẻ đại diện cho động vật và xếp chung vào một hộp. Bạn bắt đầu bằng một cuộc thảo luận ngắn để hướng trẻ suy nghĩ về chủ đề này và nói với bạn những gì trẻ biết. Động vật và thực vật khác nhau ở điểm nào? Hãy quan sát xung quanh mình: cây cối, con mèo hay cá cảnh,… Hiển nhiên, dưới con mắt của trẻ rõ ràng là có sự khác biệt. Sau đó, bạn rút thẻ. Bạn đặt hai biển phía trên cùng, rồi cùng trẻ phân loại thẻ. Để cho trẻ có thể tự sửa sai khi làm lại hoạt động này, bạn chuẩn bị bảng đáp án (hay hình vẽ ở mặt sau thẻ).
Phán đoán
Để hỗ trợ quá trình khám phá động vật, chúng ta viết ra những câu đố ngắn để buổi học vui vẻ hơn. Bạn soạn vài dòng các thông tin chính yếu và đặc trưng về con vật (nơi sống, thức ăn, hình dáng,…) mà không ghi tên con vật. Đoạn viết này phải sát với hiểu biết của trẻ. Bạn có thể viết một cách đơn giản nhất hoặc phức tạp nhất. Trong khi đọc, trẻ giữ trật tự, ngay cả khi trẻ nghĩ rằng mình đã tìm ra câu trả lời! Việc này khiến trẻ tập trung và nắm bắt từng chi tiết trong câu chuyện. Cuối cùng, trẻ đưa ra câu trả lời và chúng ta cho trẻ xem hình ảnh con vật. Đối với trẻ biết đọc, bạn chuẩn bị những thẻ nhỏ với một số định nghĩa ngắn để trẻ có thể đọc một mình, đáp án ghi ở mặt sau thẻ.
Xem hai ví dụ sau:
- “Có nhiều loài chim nhỏ nên rất khó nhận biết. Với tôi thì thật là dễ vì trên cổ tôi có mảng lông màu đỏ. Tên tôi là gì?” (Chim cổ đỏ).
- “Tôi là một con chim. Tôi sống gần con người, nhưng tôi rất nhút nhát. Tôi đậu trong vườn và tìm thức ăn như: sâu bọ, giun, quả chín hay những thứ khác. Tôi thích những đồ lóng lánh, nếu nhìn thấy những đồ như thế là tôi tha về tổ hay quắp đến chỗ giấu bí mật của mình. Tôi khá lớn, thường khiến những con chim khác sợ và tôi hay đuổi chúng đi để tranh thức ăn. Người ta có thể nhìn thấy rõ tôi từ xa, vì bộ lông của tôi màu đen và trắng với những ánh phản chiếu như kim loại. Tôi có đuôi dài và tiếng hét inh ỏi của tôi rất dễ nhận ra. A, người ta còn bảo tôi lắm điều nữa. Tôi là ai?” (Chim ác là).
- Trẻ lớn hơn có thể hào hứng viết câu đố cho các em nhỏ tuổi hơn! Việc này giúp trẻ phát huy vốn hiểu biết của mình.
Có thể bố mẹ cần: Bài học về các con vật qua phương pháp Montessori đầy thú vị.
Phân loại động vật

Hoạt động này là giai đoạn thứ ba trong phân loại: Trẻ sẽ học cách sắp xếp động vật một cách đơn giản, rõ ràng và đặt tên các nhóm khác nhau. Việc này cũng giúp trẻ ý thức về sự đa dạng của thế giới động vật. Hãy làm một tệp tám thẻ động vật cho mỗi nhóm sau: động vật có vú, chim, bò sát, lớp lưỡng cư, cá và côn trùng, thêm một thẻ với đường nét phác họa một con vật đại diện cho nhóm đó và tên loài (chẳng hạn con ếch đại diện cho động vật lưỡng cư). Ở mặt sau của mỗi hình ảnh con vật, bạn vẽ đường nét phác họa đại diện của nhóm để trẻ có thể kiểm tra. Mỗi nhóm có thể có một màu riêng mà bạn sẽ lặp lại trong những hoạt động khác. Đầu tiên, bạn sẽ giới thiệu từng nhóm một, chẳng hạn nhóm động vật có vú.
Bạn rút thẻ đầu tiên: “Loài động vật này là động vật có vú. Tất cả các con vật mà chúng ta đưa vào trong nhóm đều có vú. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá.” Sau đó, bạn xếp tất cả các thẻ động vật có vú theo cột phía dưới thẻ nhóm, đồng thời trao đổi với trẻ, đề nghị trẻ chia sẻ những gì trẻ đã biết về động vật có vú. Bạn sử dụng tên gọi cụ thể từng con vật, nhắc lại nhiều lần tên nhóm (động vật có vú) và đưa ra một số đặc điểm của nhóm này. Khi tất cả các thẻ được xếp xong, chúng ta bảo trẻ lật thẻ lại để kiểm tra công việc của mình. Khi trẻ đã xem xong tất cả các tệp, chúng ta khuyến khích trẻ trộn lẫn ban đầu là hai tệp, ba tệp, tăng dần lên và cuối cùng là cả sáu tệp.
Các thẻ danh mục động vật
Các thẻ danh mục nối tiếp hoạt động của các thẻ phân loại và các bộ xếp hình bằng cách thu hút sự chú ý của trẻ về các đặc điểm chung của động vật. Để thực hiện, bạn làm một bộ thẻ về các bộ phận của một động vật có vú (con ngựa), một con chim (chim sẻ), một động vật lưỡng cư (ếch), một loài bò sát (rùa), một con cá và một loài côn trùng có cánh. Bạn giới thiệu các loại khác nhau cho trẻ rồi sau đó trẻ tự học một mình.
Sổ nhật ký về tự nhiên
Trẻ lên năm tuổi có thể bắt đầu làm sổ nhật ký về tự nhiên. Chúng ta tặng sổ cho trẻ như một món quà, bảo trẻ vẽ, dán “kho báu” và viết ra những khám phá của mình. Đừng quên rằng, để hỗ trợ các hoạt động trong nhà, bạn phải tạo cơ hội cho trẻ quan sát thế giới sống động bên ngoài. Chẳng hạn, chúng ta có thể bày cho trẻ cách sử dụng ống nhòm hay kính lúp để quan sát thiên nhiên, rồi ghi nhận xét của mình vào sổ. Với chiếc máy ghi âm, trẻ có thể ghi âm thanh rồi sau đó miêu tả lại. Trẻ ghi vào sổ nhật ký ngày tháng, địa điểm và những gì quan sát được. Khi lớn lên, trẻ thích xem lại những gì mình đã viết hay vẽ. Trẻ cũng ý thức được quá trình phát triển nhận thức của mình.
“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”