Ba mẹ cùng trẻ khám phá, trao đổi và cùng làm một số thí nghiệm thực tế đầy thú vị về các loại cây, hoa, quả,… thông qua phương pháp Montessori sẽ giúp trẻ đến gần với thiên nhiên hơn, tăng khả năng quan sát. Đồng thời giúp trẻ hiểu rõ về tầm quan trọng và những đóng góp của thiên nhiên mang lại.

Cây cối
Trong một chuyến đi dạo giữa thiên nhiên hay đi chơi công viên, hãy cùng trẻ quan sát cây cối. Hãy kể cho trẻ nghe, mỗi cây quanh chúng ta ban đầu đều là một hạt giống, rồi nảy mầm, lớn lên. Cây đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và động vật. Cây cung cấp khí oxy cho chúng ta hít thở, cây cung cấp gỗ làm nhà, đóng đồ đạc, đóng thuyền, làm giấy,… Cây cung cấp thức ăn (táo, cam, hạt dẻ và biết bao hoa quả khác nữa). Cây che bóng mát cho chúng ta những ngày oi nắng…
Thế còn động vật thì sao? Chúng có cần đến cây cối nhiều như con người không? Hãy lập danh sách những loài động vật cần đến cây cối: những loài sống giữa cây cối, những loài dùng cây cối để làm thức ăn, những loài làm tổ trên cây hay những loài di chuyển trên cây,…
Trong một chuyến đi khác, bạn hãy cùng trẻ quan sát kỹ một cái cây cụ thể: vỏ cây, hình thù thân cây, cành cây, lá cây. Sau đó, so sánh với những cây xung quanh. Khi về nhà, chúng ta giới thiệu các thẻ phân loại. Trẻ sẽ hài lòng khi thấy trên các tấm thẻ những cây mình đã quan sát và đã biết. Bạn có thể kết hợp các thẻ ấy với các mẫu lá và quả mà trẻ thu lượm được.
Vòng đời của cây
Bạn chuẩn bị các thẻ (được đánh số ở mặt sau) giới thiệu các giai đoạn trong vòng đời của cây, cũng như dụng cụ cần thiết để quan sát sự nảy mầm: một vài hạt đỗ, liễn thủy tinh, bình nhỏ với một chút nước và một tờ giấy thấm. Bạn giải thích với trẻ rằng chúng ta chuẩn bị dụng cụ để quan sát rõ sự nảy mầm.
Sự hình thành của rễ và chồi: bạn cắt một băng giấy thấm, dài bằng chiếc lọ, cuộn lại rồi để vào trong lọ, để cho băng giấy tự duỗi ra, sát vào thành lọ. Trẻ sẽ thả vài hạt đậu ở giữa giấy thấm và lọ. Sau đó, trẻ đổ nước vào đáy bình rồi đặt lên bàn quan sát. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ có thể quan sát sự biến đổi của hạt. Khi hạt đậu bắt đầu nảy mầm, bạn có thể giới thiệu thẻ cho trẻ: rải thẻ trước mặt, không theo trật tự. Bạn nhặt chiếc thẻ đầu tiên, thẻ nguyên hạt rồi đặt lên phía trên cao bên trái của chiếc bàn. Sau đó, đặt các thẻ tiếp theo đồng thời kể từng giai đoạn trong vòng đời của cây.
Sau khi đặt xong tất cả các thẻ, bạn lật ngửa thẻ để kiểm tra xem thứ tự có đúng không. Trẻ có thể làm lại hoạt động này một mình. Đừng quên quan sát các giai đoạn khác nhau của cây đỗ mà bạn đã trông! Trẻ có thể thấy rằng dù ở tư thế nào, rễ cũng luôn mọc xuống dưới còn thân thì vươn lên trên.
Sự hình thành rễ cây
Để giúp trẻ thấy rõ rễ cây và vai trò nuôi cây của rễ, chúng ta sẽ tiến hành giâm cành. Trước đó, bạn tìm hiểu trong vườn xem cây nào có thể giâm một cách dễ dàng. Bạn cắt một cành trong vườn rồi đưa cho trẻ ngâm vào một chậu đầy nước. Trẻ có thể đặt chậu lên bàn quan sát. Hàng ngày, cần phải kiểm tra mực nước và đổ thêm nước nếu cần, hoặc thay nước. Thế rồi chúng ra cùng trẻ quan sát rễ cây mọc ra và hướng phát triển của rễ. Khi rễ cây lớn lên, trẻ có thể trồng cây. Nếu bạn không có cây để giâm thì có thể để một cây hành vào trong chiếc lọ cổ hẹp và thêm vào đó một chút nước.
Các bộ phận của lá cây

Các bộ phận của lá
*Album lá
Để hỗ trợ và kéo dài trò chơi khám phá tủ thực vật, bạn chuẩn bị cho trẻ một cuốn sổ với các mẫu lá khác nhau minh họa cho sự đa dạng của lá: lá đơn, lá kép, lá kép lông chim, lá kép lông chim chẵn, lá kép lông chim lẻ, gân lá hình mạng, gân lá song song, lá mép nguyên, lá khía răng cưa, lá xẻ thùy, lá có mép lượn sóng,… Chúng ta cùng trẻ vừa tra cứu cuốn sổ vừa trao đổi, công việc này giúp trẻ sắp xếp các loại lá cây thu thập được đồng thời tìm ra các đặc điểm của từng lá. Cuốn sổ này cũng tạo động lực cho trẻ quan sát tự nhiên tỉ mỉ hơn, để tìm kiếm hình dạng những lá cây thú vị mà trẻ con chưa có trong bộ sưu tập của mình.
Đồng thời, bạn nên tặng cho trẻ một cuốn vở đẹp để trẻ lưu giữ mẫu riêng của mình. Nếu trẻ chưa biết viết thì bạn có thể ghi chú cho trẻ các đặc điểm mà trẻ nhận thấy. Bạn cũng yêu cầu trẻ lấy kính lúp để quan sát vành lá, các đường gân, các lông nhỏ bao phủ phiến lá,… Qua đó, trẻ ý thức được sự phong phú và vẻ đẹp của thiên nhiên. Ngay cả một chiếc lá đơn giản cũng tuyệt đẹp khi quan sát từng chi tiết. Tiếp đó, các thẻ phân loại hình dạng lá cây và danh mục các bộ phận của lá cây sẽ giúp cho những quan sát ban đầu đó trở nên tinh tế hơn.
*Các đường gân của lá
Một ngày khác, bạn có thể một lần nữa thu hút sự chú ý của trẻ vào các lá cây ở xung quanh mình bằng cách xem xét chúng tỉ mỉ hơn. “Con thấy không, các rãnh mà chúng ta quan sát thấy trên lá chính là các đường gân của lá. Gân lá giống như các tĩnh mạch trong cơ thể chúng ta, giúp cho quá trình tuần hoàn máu. Trong gân lá có nhựa lưu thông để nuôi dưỡng cây.” Sau đó, bạn cùng trẻ so sánh các gân lá khác nhau đã có sẵn, nếu cần thì sử dụng kính lúp. Trẻ có thể vẽ các đường gân mà mình quan sát được.
Tiếp theo, chúng ta tiến hành hoạt động in hình lá. Bạn chuẩn bị một số thẻ lá, trên miếng giấy bristol vuông (khoảng 15cmx15cm), chúng ta đặt một chiếc lá đã được ép phẳng rồi cho tất cả chạy qua máy ép plastic. Một chiếc khay có đặt các thẻ đã được ép plastic, một bìa kẹp giấy A4, một số tờ giấy trắng và một chiếc bút màu. Để in hình lá, bạn xếp chồng một tờ giấy lên một chiếc thẻ rồi kẹp lại. Sau đó, từ từ tô màu tờ giấy. Lá sẽ dần in lên giấy, cùng với đường sống lá và các gân lá… Sau đó đến lượt trẻ chọn lá và in hình.
Dành cho trẻ: Cuốn hút trẻ đến với thế giới động vật qua phương pháp Montessori.
Các bộ phận của hoa
Với trẻ năm tuổi rưỡi, sáu tuổi thì khả năng quan sát tự nhiên sẽ chi tiết hơn. Chẳng hạn với bông hoa, bạn có thể bẻ từng phần để khám phá tất cả các bộ phận của nó cùng với trẻ.
Cùng trẻ quan sát đài hoa, là bộ phận đỡ bông hoa và cẩn thận dùng dao tách đài hoa ra. Tiếp theo, bạn mở bao hoa, phân biệt bầu nhụy và nhị với phấn hoa. Dùng nhíp lấy các bộ phận này đặt lên tờ giấy trắng. Đối với trẻ nhỏ, khám phá các bộ phận theo cách này rất thú vị. Khi làm xong, bạn để cho trẻ tự làm với một bông hoa khác. Trẻ biết viết có thể ghi các bộ phận của bông hoa. Sau đó, bạn tiếp tục giới thiệu các thẻ danh mục thực vật.
Quan sát quả táo
Bạn cùng đi hái táo với trẻ, sau đó cắt một vài quả để quan sát bên trong. Bạn nên chuẩn bị dao, thớt, một bát để vỏ, một bát để các miếng táo. Bạn bày cho trẻ cách bổ táo như thế nào, đầu tiên là bổ đôi, chú ý hình dạng ngôi sao ở giữa và đếm số hạt ở trong. Sau đó bạn đặt quả táo lên thớt rồi lại cắt làm đôi. Lúc đó chúng ta có bốn phần, dễ dàng lấy hạt ra. Đến lượt mình, trẻ có thể cắt một quả và thậm chí nhiều quả, đếm số hạt và so sánh chúng. Bạn khuyến khích trẻ đặt câu hỏi: “Chúng ta thấy hình dạng gì khi cắt quả táo?”, “Con có biết hạt dùng để làm gì không?”,…
Bạn bảo trẻ vẽ hình quả táo bổ đôi và cung cấp cho trẻ từ vựng về các bộ phận khác nhau của quả táo. Trẻ có thể viết hoặc dán các phiếu đọc. Bạn có thể cùng trẻ tiếp tục trải nghiệm trên bằng cách bổ ngang quả táo và nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng. Tiếp theo hoạt động này là bữa ăn nhẹ hoặc công thức làm món ăn từ táo (bánh tart táo, mứt táo, bánh táo nướng).
*Hạt
Sau khi quan sát bên trong quả táo, bạn cùng trẻ xem có gì ở bên trong những rau quả khác không. Bạn để lên bàn dao, thớt và một số rau quả. Quan sát những gì trông thấy (hạt cứng, hạt mềm, nhân) đồng thời giải thích cho trẻ rằng ban đầu cây được sinh ra từ hạt. Bạn có thể cùng trẻ đi dạo để thu lượm hạt. Vào mùa xuân, chỉ cần tìm kiếm một lát là chúng ta có thể tìm thấy hạt cây nảy mầm. Trong vườn hoa, trẻ có thể nhặt hạt tóc tiên, hướng dương,…
Sau khi quan sát thực tế, bạn có thể yêu cầu trẻ tiến hành phân loại hạt: hướng dương, đậu, ngô, bí, táo,… Chúng ta có thể khiến cho hoạt động phân loại trở nên phức tạp hơn với những loại hạt có nhiều đặc điểm giống nhau. Có thể giới thiệu thêm các thẻ cho trẻ để kết hợp nguyên quả và quả bổ ra. Một ngày khác, để tiếp tục chủ đề này, hãy đề nghị trẻ tách hạt (một hạt đỗ to đã được ngâm trong nước để bắt đầu quá trình nảy mầm), phân rõ các bộ phận. Bày cho trẻ cách làm như thế nào, sau đó trẻ có thể thử một mình. Chúng ta giới thiệu cho trẻ bộ xếp hình hạt, nếu có, và các thẻ danh mục các bộ phận của hạt.
Làm thế nào để cây phát triển?
Cây cần nước
Khi trẻ lên năm tuổi, chúng ta có thể cho trẻ tiến hành các thí nghiệm liên quan đến điều kiện sinh tồn của cây. Đây là thí nghiệm đầu tiên: trẻ có ba cây hoa giống nhau trồng trong ba chậu nhỏ mà cao (hay trong ống nghiệm).
Bạn bảo trẻ tưới nước vào chậu đầu tiên, đổ dầu vào chậu thứ hai và không cho gì vào chậu thứ ba. Bạn đưa cho trẻ ba mẩu giấy ghi nước, dầu và không khí để dán vào chậu. Chúng ta cùng trẻ quan sát những gì diễn ra trong nhiều ngày, cho đến khi sự khác biệt trở nên rõ rệt giữa ba cây hoa. Trẻ có thể bắt đầu vẽ lại những thí nghiệm này và ghi chú những gì mình quan sát được.
Cây cần ánh sáng
Thí nghiệm này sẽ cho trẻ thấy rằng cây cần ánh sáng để sinh trưởng. Bạn chuẩn bị một số hạt nhanh nảy mầm (đậu, bí, hướng dương,…) rồi để ngâm một đêm trong nước. Chúng ra đưa cho trẻ hai chậu nhỏ, đất, một cái xẻng nhỏ và một bình tưới nước. Trẻ cho đất đầy chậu, để các hạt lên bề mặt, phủ một lớp đất mỏng rồi tưới nước. Tiếp theo, trẻ trông nom các hạt, tưới nước khi đất khô. Ngay khi cây mọc cao 10cm, bạn yêu cầu trẻ tìm một chỗ tối, như tủ, hốc tường, rồi đặt vào đó một chậu cây. Sau vài ngày, trẻ có thể lấy chậu cây ra khỏi tủ rồi so sánh với chậu thứ hai. Bạn trao đổi với trẻ về những gì trẻ nhận thấy.
“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”