Bài học về các con vật qua phương pháp Montessori đầy thú vị

Theo thời gian, trẻ sẽ dần dần bước vào độ tuổi thích khám phá về thế giới và những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tất nhiên là cha mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt nhất để trẻ được phát triển cách toàn diện, đặc biệt là phát triển tư duy. Hình thức giúp trẻ nhận biết các loài động vật, vòng đời của chúng,… qua phương pháp Montessori sẽ là những bài học thú vị thu hút trẻ. Cha mẹ cùng tham khảo nhé!

Bài học về các con vật qua phương pháp Montessori đầy thú vị
Bài học về các con vật qua phương pháp Montessori đầy thú vị

Động vật có xương sống và không xương sống

Bạn in một tệp mười thẻ đại diện cho nhóm động vật có xương sống, một tệp mười thẻ đại diện cho nhóm động vật không xương sống và hai biển ghi “có xương sống” và “không xương sống” rồi xếp vào hộp. Trước khi giới thiệu các thẻ, bạn bắt đầu trao đổi về đề tài này. Bạn cho trẻ cảm nhận xương bằng cách sờ vào phía sau cổ. “Cái mà con sờ thấy chính là cột sống. Chúng ta là động vật có xương sống vì chúng ta có cột sống. Các động vật không có cột sống là động vật không xương sống”.

Sau đó chúng ta tiếp tục giới thiệu những động vật có trong hai tệp, để xuống phía dưới các biển. Bạn cùng phân loại với trẻ đồng thời khích lệ trẻ quan sát. Chẳng hạn, bạn giải thích với trẻ rằng đuôi là phần kéo dài của xương sống.

Động vật bí ẩn

Đây là một trò chơi với những câu đố rất đơn giản để đưa trẻ đến với công việc phân loại động vật có xương sống. Bạn chuẩn bị tám hình ảnh động vật có xương sống kèm tên của chúng (cá, ếch, rắn, chim, mèo,…) và các phiếu ghi chỉ dẫn. Chúng ta bày các hình ảnh lên thảm, lấy phiếu đầu tiên rồi đọc to: “Tôi sống trên mặt đất”. Trẻ quan sát các hình ảnh rồi úp các thẻ con vật có xương sống không sống trên mặt đất xuống. Bạn tiếp tục đọc đến chỉ dẫn thứ hai: “Tôi đẻ trứng”. Trẻ úp các thẻ con vật không đẻ trứng xuống. Rồi đến chỉ dẫn thứ ba: “Trứng của tôi mềm”… Và chúng ta tiếp tục như vậy cho đến khi trẻ tìm được con vật. Trẻ để phía dưới hình ảnh chỉ dẫn tương ứng cuối cùng: “Tôi là một loài bò sát”. Bạn nên thường xuyên thay đổi hình ảnh để trò chơi luôn thú vị.

Các loài động vật có vú

Nhờ vào các thẻ phân loại, chúng ta sẽ cùng trẻ quan sát nhóm động vật có vú chi tiết hơn. Bạn chú ý giới thiệu sự đa dạng của động vật có vú qua các loài: động vật sống trên cạn, dưới nước, trên cây,… Trước khi giới thiệu các thẻ, chúng ta giải thích cho trẻ những động vật mới nằm trong nhóm động vật có vú. Chúng có máu nóng, bộ da có lông hoặc da nhẵn, nuôi con bằng sữa mẹ. Sau đó, bạn cùng trẻ xem thẻ và tiếp tục trao đổi. Sau này, có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách sắp xếp động vật có vú theo chuỗi thức ăn chẳng hạn. Bạn có thể chuẩn bị cho trẻ những câu chuyện, câu đố, sách vở về động vật có vú và những thẻ phân loại cho các nhóm động vật khác.

>>> Đọc tiếp những Sự thật thú vị về thế giới các loài động vật qua phương pháp Montessori. Đừng bỏ qua nhé!

Các bộ xếp hình động vật

Bốn bộ xếp hình: ngựa, rùa, chim, cá giúp trẻ nhận dạng các bộ phận chính của các con vật. Các bộ xếp hình được giới thiệu cho trẻ một cách đơn giản, chúng ta bày cho trẻ cách cầm núm nhấc tất cả các miếng ghép, nhẹ nhàng để ra ngoài bảng xếp hình mà không để cho chúng chạm vào nhau. Trẻ thoải mái làm chủ các bộ xếp hình, ở trong bảng đỡ hay ở bên ngoài. Ban đầu, chúng ta không đưa ra tên các bộ phận khác nhau, mà đưa ra cùng với thẻ danh mục động vật, trẻ có thể lấy lại bộ xếp hình, đặt các mảnh xếp trên tấm ván với các bộ phận được ghi. Trẻ có thể sử dụng bộ xếp hình để thực hiện cắt dán hay vẽ tranh, như với bộ xếp hình thực vật.

Vòng đời của động vật

Vòng đời của động vật
Vòng đời của động vật

Có thể trẻ đã từng chăm sóc động vật, quan sát tìm hiểu các hoạt động của chúng ở nhà hoặc trên lớp. Nuôi nòng nọc, ốc sên hay con sâu để quan sát sự biến đổi thành bướm, chăm sóc con mèo, xem mèo cắp con rồi cho con bú,… Tất cả đều thú vị với trẻ và đó là cách gián tiếp dẫn dắt trẻ tìm hiểu về vòng đời của động vật.

Tùy vào trải nghiệm và quan sát của trẻ, chúng ta giới thiệu cho trẻ các thẻ cần phải sắp xếp theo trật tự để tái hiện một vòng đời. Chẳng hạn vòng đời của con ếch khá dễ quan sát. Đầu tiên, bạn kể về vòng đời loài ếch để trẻ kết hợp xếp các thẻ theo thứ tự. Trẻ biết đọc có thể kết hợp các thẻ với các phiếu đọc và sau này là những đoạn viết ngắn miêu tả hình ảnh. Để trẻ có thể sửa sai, thứ tự các thẻ được ghi ở mặt sau. Để kéo dài hoạt động và giúp việc học dễ dàng hơn, bạn cung cấp cho trẻ những bức tranh về các giai đoạn khác nhau của vòng đời để tô màu. Trẻ có thể cắt, sắp xếp theo trật tự để làm thành tờ gấp. Tạo ra cái gì đó để hình dung về sự vật luôn là cách thức ghi nhớ hiệu quả.

Các câu chuyện về động vật

Khi bắt đầu nghiên cứu động vật, bạn kể cho trẻ những câu chuyện ngắn về cuộc sống của những con vật có liên quan. Bạn có thể in một quyển sách nhỏ với câu chuyện và minh họa đen trắng để trẻ có thể tô màu. Sau khi đọc truyện, bạn cho trẻ xem ảnh của con vật và trao đổi với trẻ về câu chuyện, về những gì trẻ nhớ và hiểu được. Bạn khuyến khích trẻ suy nghĩ và giải đáp các câu hỏi của trẻ. Nếu cần, bạn có thể tìm câu trả lời trong một cuốn sách để mở rộng thêm hoặc dẫn dắt đến những giáo cụ mà chúng ta có, chẳng hạn như thẻ phân loại.

Dưới đây là một ví dụ cho câu chuyện về chim hồng tước:

Tổ của chim hồng tước?

Hầu hết tất cả các sinh vật sống đều cần một nơi để ở, một nơi khô ráo để tránh thời tiết xấu hoặc một nơi an toàn để tránh kẻ thù. Chính vì vậy, phần lớn động vật và chim chóc dành nhiều thời gian để làm hang hay xây tổ. Chúng muốn sống ở nơi yên ổn cùng với các con của mình.

Chim hồng tước là một trong những loài chim tất bật, bận bịu xây tổ nhất. Con đực có nhiệm vụ xây tổ. Ngay đầu mùa xuân, nó tìm những cái sẵn có để có thể làm tổ. Nó đi ngó nghiêng tất cả các hộp đựng đồ ăn cũ, những lều chim bỏ hoang hay thậm chí cả những tổ chim cũ. Khi thích một địa điểm nào đó, nó làm theo ý mình, cho vào đó các cành nhỏ, que nhỏ, dây dợ và những vật liệu khác, cho đến khi nó cảm thấy tiện nghi, thoải mái.

Nhưng công việc của nó chưa kết thúc: nó phải tìm và làm thêm một, hai cái tổ khác, bởi lẽ con chim cái khó tính hơn, muốn thăm một số nơi trước khi quyết định lựa chọn tổ cho mình. Khi con đực làm xong, nó hót khích lệ con cái đi thăm các tổ chim. Chọn được tổ nào, con cái sẽ bắt đầu bằng việc thêm vào vài chiếc lông do nó chọn và sắp xếp lại tổ theo sở thích riêng của nó. Sau đó, nó mới đẻ trứng trong tổ này.

Nhưng công việc của chim đực vẫn chưa kết thúc, tiếp đó, nó phải bảo vệ trứng, rồi khi trứng nở, phải cùng với chim cái đi tìm thức ăn (sâu bọ) khắp các vùng xung quanh cho lũ con. Trong vòng một tháng, mỗi con mang về khoảng một trăm bữa ăn. Khi chim non khá lớn để có thể tự xoay xở một mình, con đực lại bắt đầu công việc mới. Nó làm lại tổ với hy vọng có đợt ấp trứng khác vào mùa hè.

“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”

Đăng ký
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tư vấn nuôi dạy trẻ hàng ngày!

    Tham gia Cộng đồng Cha Mẹ:

    Follow Us