Song song việc yêu thương con, cách để yêu thương con đúng cách, dành những lời khen ngợi con, dành cho con những cử chỉ chân thành,… cha mẹ cũng đừng quên tập cho con một nếp sống kỷ luật qua sự nghiêm khắc. Nghiêm khắc với con không đồng nghĩa với việc la mắng, nhưng là để vun đắp cho con có một ý chí kiên cường và mạnh mẽ. Phương pháp Shichida nói gì về vấn đề này, cùng tìm hiểu nhé!

Nền tảng của kỷ luật – giúp con trở thành người có ý chí mạnh mẽ
Trước khi cân nhắc về việc nên rèn luyện tính kỷ luật cho con như thế nào, đầu tiên bạn cần phải hiểu rằng, mục đích thật sự của việc áp dụng kỷ luật trong quá trình nuôi dạy trẻ chính là nuôi dạy con trở thành người có ý chí mạnh mẽ. Có ý chí mạnh mẽ không có nghĩa là ích kỷ và tự mãn. Ngược lại, một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ sẽ có thể vượt qua những ham muốn, đòi hỏi và cảm xúc cá nhân. Để phát triển nhân cách và nuôi dạy con trở thành một người có khả năng sáng tạo dồi dào, phụ huynh cần phải nghĩ đến việc dạy dỗ sao cho con có khả năng chịu đựng gian khổ và vượt qua khó khăn. Những đứa trẻ không có ý chí mạnh mẽ không thể phát triển cá tính của riêng mình.
Khi trẻ lên ba, trẻ sẽ bắt đầu hình thành khả năng chịu đựng và sức mạnh ý chí. Nếu cha mẹ đợi đến giai đoạn sau ba tuổi, nghĩa là khi con đã có khả năng nhận biết mọi việc, mới rèn luyện tính kỷ luật cho con thì mọi nỗ lực của bạn đều đã muộn rồi. Đến lúc đó, cá tính của con bạn đã hình thành, rất khó thay đổi. Thế nên, trong ba năm đầu tiên ấy, phụ huynh cần phải thiết lập các nguyên tắc và giới hạn cho trẻ, về những giá trị mà trẻ không được phép phá vỡ. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ phạm tội khi lớn lên là do thiếu khả năng chịu đựng. Những trẻ này không có cơ hội để phát triển ý chí, không biết cách kiềm chế cảm xúc trong suốt quá trình trưởng thành. Do vậy, chúng không có khả năng kiểm soát bản thân, dễ rơi vào con đường phạm tội. Khuynh hướng phạm tội bắt đầu khi đứa trẻ bị làm hư từ nhỏ. Nhiều người phương Tây đến Nhật, thấy cách mọi người đối xử với trẻ em tại Nhật, họ thường bảo: “Ở Nhật, trẻ em và người già là hai đối tượng được phép ích kỷ và tự do nhất. Nhật Bản thực sự là thiên đường của trẻ em.” Người phương Tây thường nuôi dạy con rất nghiêm khắc nên họ lấy làm lạ khi thấy các bà mẹ Nhật Bản nuông chiều con mình.
“KỶ LUẬT VỚI SỰ TÔN TRỌNG” – Kỹ năng sống còn của cha mẹ để con phát triển lành mạnh và hạnh phúc
Dạy con cách kiềm chế bản thân

Ở Nhật, trẻ được phép sống ích kỷ và rất được nuông chiều. Khi lớn lên, trẻ dần dần được nuôi dạy nghiêm khắc hơn. Trong khi đó ở Mỹ, cha mẹ rất nghiêm khắc với con. Có điều, sự nghiêm khắc này sẽ giảm dần theo thời gian. Ở Mỹ, đường cong biểu diễn sự nghiêm khắc đạt đỉnh cao nhất lúc 0 tuổi, rồi giảm dần ở tuổi lên 9. Sau độ tuổi này, cha mẹ và con cái sẽ bắt đầu ngồi lại với nhau và thảo luận về phương pháp giáo dục phù hợp. Ở Nhật, khi một đứa trẻ khóc, người mẹ dù đang làm gì cũng sẽ ngừng lại và nhanh chóng bế con lên. Thói quen này khiến trẻ bỏ lỡ bài học quan trọng nhất: kiểm soát bản thân. Trong thực tế, nhiều người tin rằng việc trẻ con khóc rất có lợi cho hệ hô hấp. Do vậy, thay vì vội chạy đến bên con, hãy cứ để bé khóc một lúc rồi hẵng cho con thấy mặt bạn. Đừng vội bế con lên. Thay vào đó, hãy kề sát mặt bên con và hỏi: “Sao vậy con? Con đói rồi à? Hay tã ướt làm con khó chịu?”. Chỉ bế con lên sau khi con đã thôi khóc sẽ tập cho con bạn có được thói quen tốt. Con sẽ biết chờ đợi và có thói quen tự kiềm chế bản thân ngay từ khi con còn nhỏ. Mỗi khi khóc, bé sẽ nghe thấy tiếng chân bình tĩnh của mẹ, cánh cửa mở ra và bé sẽ nhìn thấy khuôn mặt mẹ mỉm cười với mình. Rồi mẹ nhìn bé, dịu dàng nói chuyện với bé. Đến khi bé ngừng khóc, mẹ sẽ ôm lấy bé. Dần dần, trẻ sẽ ghi nhớ quy trình này. Nhờ đó, sự khó chịu đối với việc chờ đợi sẽ giảm dần. Các bậc phụ huynh nên áp dụng phương pháp này ngay từ khi con còn nhỏ để giúp con học cách chờ đợi.
Khi con yêu cầu bạn mua một thứ gì, nếu đó là thứ mà bạn không muốn mua thì bạn cần dứt khoát nói “Không!”. Hãy nghiêm khắc và kiên định, cho dù con bạn có la hét và gào khóc bao nhiêu lần. Ngay từ nhỏ, trẻ phải học cách chờ đợi và phát triển thói quen kiểm soát bản thân. Nhờ đó, các thói quen xấu mới không có cơ hội phát triển. Nếu bạn cứ chiều theo mọi yêu cầu của con thì bạn sẽ không thể nuôi dạy con thành một đứa trẻ tự chủ, bạn chỉ tạo nên một đứa trẻ ích kỷ. Sự tức giận của trẻ không xuất phát từ việc rèn luyện khả năng tự kiềm chế, mà xuất phát từ việc trẻ không được dạy cách kiềm chế bản thân. Bạn cần hiểu rằng con cảm thấy tức giận không phải vì bị cha mẹ từ chối không cho một thứ gì đó, mà là do cha mẹ đã cho con quá nhiều. Ở Pháp, hầu hết tội phạm vị thành niên không xuất thân từ những gia đình trung lưu. Bởi vì trẻ em thuộc những gia đình này được dạy nghiêm khắc từ nhỏ, chúng biết cách tự kiềm chế những nhu cầu của mình và không bị chi phối bởi sự tức giận.
Trẻ sẽ trở thành một người như thế nào trong thời đại này nếu cha mẹ nghiêm khắc đúng cách?
Rèn luyện khả năng tự kiềm chế

Cha mẹ cần tập cho trẻ sơ sinh khả năng chờ đợi và tự kiểm soát bản thân. Bạn có thể bắt đầu quá trình “huấn luyện” này khi cho con bú. Hãy để con khóc trong một khoảng thời gian nhất định và chờ cho đến khi con ngừng khóc rồi mới cho con bú. Đây là bước khởi đầu của quá trình rèn luyện, giúp con biết cách chờ đợi và kiểm soát bản thân. Một trong những bài tập thể chất quan trọng khi nuôi dạy trẻ sơ sinh là cho con khóc hết sức bình sinh. Magaret A. Ribble, một bác sĩ nghiên cứu về các vấn đề hô hấp ở trẻ em, đã khẳng định rằng khi khóc, trẻ sẽ học được cách hít thở sâu. Bình thường, trẻ thở rất nông. Nhưng khi trẻ khóc dữ dội, phần cơ hoành của trẻ được tập luyện; đồng thời, phúc mạc, bao tử, ruột và các cơ quan nội tạng khác cũng được tác động tương ứng. Người ta cho rằng việc khóc lớn giúp trẻ hít thờ sâu và cải thiện sự phát triển của nhiều cơ quan nội tạng khác nhau.
Nếu bạn cho bú ngay khi con khóc, con sẽ không thể làm quen với việc chờ đợi và không thể đạt được khả năng tự kiểm soát bản thân. Do vậy, con bạn sẽ mất đi cơ hội được rèn luyện đầu đời. Tập cho con bạn biết tự kiềm chế là bước giáo dục quan trọng, giúp hình thành tính kỷ luật cho trẻ. Như đã nói ở trên, nền tảng của sự giáo dục là dạy con biết sống có mục đích. Điều đó nghĩa là cha mẹ cần giúp trẻ hình thành ý chí mạnh mẽ và khả năng kiểm soát cảm xúc cũng như các nhu cầu của bản thân chứ không phải là cho phép trẻ làm mọi điều chúng muốn một cách ích kỷ. Tuy nhiên, quá trình này thường bị hiểu sai. Khi hiểu sai vấn đề, cha mẹ thường nói những câu như: “Tôi tôn trọng mong muốn của con, vì vậy tôi để con mình được làm những gì nó muốn”. Cách nghĩ này cho phép trẻ từ chối làm những điều mà chúng không muốn. Sự dung túng này là một sai lầm. Khi làm một việc trẻ không muốn, trẻ sẽ học được cách chiến thắng sự ích kỷ của bản thân. Đó mới chính là sự tự do thật sự. Bởi nền tảng của sự tự do là khả năng tuân thủ nguyên tắc và luật lệ một cách triệt để.
Hãy suy nghĩ một chút về chủ đề ý chí. Điểm khác biệt giữa con người và loài vật là gì? Chúng ta và động vật giống nhau ở chỗ cả hai đều có phản xạ tiếp nhận và phản hồi các yếu tố kích thích đến từ môi trường bên ngoài. Theo quan điểm của tâm lý học, cách con người phản ứng với một yếu tố kích thích nào đó tạo nên hành vi. Cùng một quá trình nhưng cách phản ứng của con người và động vật khác nhau. Động vật tiếp nhận yêu tố kích thích từ môi trường, sau đó chúng hành động theo phản xạ tự nhiên như: bỏ chạy, tấn công, sục sạo kiếm ăn,… Còn khi con người tiếp nhận yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, cảm xúc sẽ xuất hiện trước, sau đó ham muốn sẽ nổi dậy. Cho tới lúc này, con người và động vật về bản chất là giống nhau. Tuy nhiên, con người sẽ cân nhắc chuyện hành vi này đúng hay sai, xem xét hậu quả, làm vậy lợi hay hại. Việc đưa ra quyết định sau khi suy xét, cân nhắc kỹ càng chính là điều khiến cho con người khác với động vật.
Ý chí luôn song hành với lương tâm. Ý chí cân nhắc cả hai mặt của vấn đề và sau đó, lương tâm sẽ thực hiện vai trò định hướng và quyết định hành vi của con người. Ví dụ, nếu đó là điều xấu thì tôi sẽ không làm, hay cái đó thuộc về người khác nên tôi sẽ không lấy,… Tuy nhiên lúc này, cảm xúc và bản năng của con người cũng đồng thời trỗi dậy. Đó là lý do khi đứng trước những vấn đề mâu thuẫn, chúng ta thường lưỡng lự, bị giằng xé và không biết phải làm sao. Lúc này, con người cần tới sự dũng cảm để có thể hành động theo lương tâm và ý chí. Tự do về ý chí có nghĩa là mỗi người tự chịu trách nhiệm với bản thân. Đây chính là sự khác biệt giữa sự tự do và sự tự nuông chiều (ích kỷ). Những người nuông chiều bản thân không quan tâm đến những rắc rối mà họ gây ra cho người khác và cũng không có trách nhiệm với bản thân mình.
Trọng tâm của sự giáo dục nghiêm khắc là nhằm phát triển ba điều: khả năng suy xét, lương tâm và sức mạnh ý chí. Nếu con bạn có khả năng suy xét đúng đắn, sự hướng dẫn rõ ràng của lương tâm và ý chí mạnh mẽ để điều khiển cảm xúc và mong muốn của bản thân thì sứ mệnh nuôi dạy con của bạn coi như đã hoàn thành mỹ mãn. Việc phát triển sức mạnh ý chí bằng cách kiên trì vượt qua khó khăn sẽ đưa con người đến với thành công. Tính ích kỷ và thiếu khả năng kiểm soát bản thân sẽ dẫn con người đi theo hướng ngược lại.
Trích dẫn từ sách “Ba chìa khóa vàng nuôi dạy con theo phương pháp SHICHIDA”
Cảm ơn tác giả. Rất hay và thực tế