Nuôi dạy con nghiêm khắc từ nhỏ là bước quan trọng, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý rằng sự khắt khe lệch lạc sẽ cản trở sự phát triển của con. Vậy như thế nào là uốn nắn con đúng cách và phải làm như thế nào để con trở thành một người có ích trong xã hội? Phương pháp Shichida sẽ đem đến cho cha mẹ những lời khuyên gì, cùng đón đọc nhé!
Sự khắt khe lệch lạc
Nhiều bậc phụ huynh rất dễ nhầm lẫn khái niệm về sự nghiêm khắc, đặc biệt là những người muốn dạy dỗ và uốn nắn con hướng đến những mục tiêu mà họ mong muốn. Vì quá đặt nặng việc dạy dỗ con, các phụ huynh này thường lạm dụng sự nghiêm khắc để ép con đạt được những nguyên vọng của cha mẹ. Nhưng mong bạn hiểu rằng áp dụng kiểu giáo dục khắt khe như vậy là một sai lầm. Khi cha mẹ làm vậy có nghĩa là họ đang cố gắng uốn nắn con mình theo hình tượng mà họ thích. Và khi trẻ con không thực hiện được ý định của người lớn thì chúng bị cấm đoán, bị khiển trách và bị phạt.

Mục đích nuôi dạy con mà bạn muốn hướng đến là gì? Có lẽ bạn hy vọng nuôi dạy nên một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ, có khả năng tư duy độc lập, có khả năng tự quyết và biết làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu? Để có thể nuôi dạy một đứa con như thế bạn phải hiểu rõ sự khác biệt giữa việc dạy con bằng cách la mắng và dạy con bằng sự nghiêm khắc. Trên hết, bạn cần phải xác định mục đích rõ ràng để nuôi dạy con trở thành một người hữu ích. Làm sao để nuôi dạy trẻ trở thành người có ích trong thời đại này? Theo các bậc phụ huynh, trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ, thầy cô và dễ dạy bảo. Tuy nhiên, những đứa trẻ như thế lại có vấn đề cần phải đặc biệt chú ý. Mặc dù chúng được dạy dỗ cẩn thận, biết vâng lời và không gây rắc rối, nhưng chúng lại không có khă năng khẳng định bản thân và có nguy cơ không thể cống hiến được gì cho xã hội.
Có một số trường hợp, khi những đứa trẻ “biết vâng lời” này vào trung học, chúng bắt đầu trở nên bạo lực để thể hiện sự chống đối với cha mẹ. Đây đều là những đứa trẻ tốt, những đứa trẻ luôn lắng nghe và vâng lời cha mẹ khi còn nhỏ. Người ta cho rằng khi những đứa trẻ này còn nhỏ và còn yếu ớt, chúng không có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân. Đến khi trẻ lớn lên, chúng mạnh dần về thể chất trong khi ảnh hưởng của cha mẹ yếu dần. Thế là trẻ bắt đầu khẳng định bản thân bằng cách sử dụng bạo lực chống lại các thành viên trong gia đình. Vì vậy, bạn nên thấy vui trước sự phản kháng của con khi con còn nhỏ. Quá trình phản kháng này hàm chứa một ý nghĩa to lớn và tích cực đối với sự phát triển của con, cụ thể là:
- Con đã đủ trưởng thành để có cách suy nghĩ riêng, khác với cách suy nghĩ của cha mẹ.
- Con đã học được cách thể hiện ý nghĩ của mình thông qua hành vi và lời nói.
- Con đã có đủ can đảm để nói lên những điều mà con không đồng ý và những điều mà con cho là không đúng, dù có bị la mắng.
Việc có thể khẳng định quan điểm của bản thân mang đến cho con bạn cơ hội đương đầu với cuộc sống mà không tích trữ những khó chịu hoặc ấm ức trong lòng. Khi trẻ nghi ngờ những gì người lớn nghĩ, việc bộc bạch ý nghĩ cá nhân một cách chân thành sẽ giúp trẻ thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách. Trong trường hợp trẻ không phản hồi hoặc không thể hiện bất cứ sự phản kháng nào, cha mẹ cần nhớ đây là biểu hiện không hợp lý. Nếu cha mẹ cứ liên tục khống chế trẻ theo chiều hướng này thì quá trình phát triển của trẻ sẽ bị ngưng trệ. Đó là lý do tại sao chúng ta không nên đánh đòn hoặc la mắng con một cách vô tội vạ mỗi khi con cãi lại hay tỏ ra chống đối. Điều cha mẹ cần làm là thật tâm lắng nghe những gì con nói. Thông qua đó, bạn sẽ giúp con phát triển khả năng thể hiện bản thân, đồng thời cũng giúp bản thân bạn hành xử khôn ngoan hơn. Tất nhiên cha mẹ cần nghiêm khắc để giúp con tự chủ hơn khi trưởng thành. Tác giả đề nghị các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc với con theo những cách sau:
- Giúp con học cách tự kiềm chế bản thân. Thay vì để con bị chi phối bởi cảm xúc, hãy giúp con học cách kiềm chế bản thân.
- Giúp con học hỏi các quy tắc xã hội. Dạy cho con biết rằng việc làm tổn thương và gây rắc rối cho người khác là sai trái.
- Dạy con biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
- Dạy con biết kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Tham khảo thêm: Hành trang giúp trẻ tồn tại khi trưởng thành theo phương pháp Shichida.
Các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc với chính mình

Ba nguyên tắc vàng trong việc nuôi dạy con – yêu thương, nghiêm khắc và tin tưởng – thực ra không phải là thử thách đối với trẻ mà chính là thử thách đối với các bậc cha mẹ. Sự nghiêm khắc tác giả đang đề cập đến là sự nghiêm khắc mà các bậc cha mẹ nên dành cho chính mình. Bạn cần phải kiên nhẫn nói “Không” – Không là không! – mỗi khi con bạn nhõng nhẽo hay vòi vĩnh. Bạn cần hiểu được rằng đó là sự nghiêm khắc với chính bản thân mình chứ không chỉ là nghiêm khắc với con. Thường thì cứ hễ con khóc là cha mẹ gần như bỏ cuộc. Như vậy có nghĩa là bạn chưa đủ nghiêm khắc với chính mình. Một trường hợp khác: ngay cả khi phụ huynh biết rằng họ không nên la mắng con trong trạng thái xúc động, họ vẫn sẽ làm như vậy mỗi khi không kiểm soát được mình. Đây là một ví dụ khác chứng tỏ cha mẹ chưa thật sự nghiêm khắc với bản thân. Do đó, cha mẹ cần phải hiểu đúng ý nghĩa của từ “nghiêm khắc” mà tác giả đang nói tới.
Dạy con bằng cách thường xuyên la mắng và luôn luôn cấm cản không phải là cách nuôi dạy con nghiêm khắc thực sự. Đó chẳng qua chỉ là một hình thức bảo bọc con quá mức bằng lời nói. Nếu cha mẹ liên tục xét nét con thái quá thì họ sẽ khiến con cái mất đi cảm giác độc lập. Nghe lời cha mẹ là việc quá dễ dàng. Có điều, nếu tình trạng này kéo dài thì trẻ sẽ không còn khả năng tư duy và tự mình suy nghĩ nữa. Phương pháp này bao gồm các mệnh lệnh và những lời lẽ mang tính cấm đoán, tiêu cực. Tác giả khuyên bạn nên tự đánh giá lại, xem bản thân có đang vô tình áp dụng phương pháp này trong việc dạy con không. Vì nếu bạn cứ dùng những lời lẽ mang tính bao bọc quá mức để cản trở con thì sự tò mò và nhạy bén của con sẽ dần bị thui chột. Con sẽ mất đi óc phiêu lưu mạo hiểm và trở nên lệ thuộc thái quá, và rồi con bạn sẽ trở thành một người thiếu động lực và không quyết đoán.
Thật lòng mà nói, những bà mẹ có thói quen cằn nhằn, nuôi dạy con bằng cách thường xuyên la mắng là mối nguy hiểm lớn nhất đối với quá trình nuôi dạy con trẻ. Những bậc cha mẹ khó tính, những người hay chỉ trích và la mắng, sẽ khiến trẻ dễ nổi giận, nóng tính và hay to tiếng. Khi trẻ lớn dần lên, cơn giận cứ tích tụ dần. Khi ra khỏi nhà, trẻ sẽ dễ gây sự với những đứa trẻ khác. Các bậc phụ huynh có thói quen này thường là những người có khuynh hướng kìm hãm con cái trong nhiều nguyên tắc cứng nhắc. Vì vậy, con họ không thể phát triển nhanh và đúng hướng. Nếu tình trạng này kéo dài, sự bất mãn của trẻ sẽ bị dồn nén lại. Chúng đâm ra chống đối cha mẹ và dần trở nên bướng bỉnh. Thậm chí khi cha mẹ cố gắng dạy bảo con một cách nhẹ nhàng, con cũng sẽ cố tình làm trái ý cha mẹ.
- Mười tháng tuổi sau sinh chính là khoảng thời gian con khám phá các vật dụng xung quanh. Trong khoảng thời gian này, con của bạn sẽ liên tục trải nghiệm và học hỏi. Nếu bạn khắt khe ngăn cấm con không được làm việc này việc kia thì bạn sẽ tạo ra một đứa trẻ hay chống đối. Hầu hết những đứa trẻ hay giận dữ và hay chống đối đều có khởi đầu như thế.
- Khi lên hai, con bạn bắt đầu hình thành tính độc lập. Những đứa trẻ vốn luôn biết nghe lời bắt đầu tự khẳng định bản thân và nói “Không” với tất cả những gì cha mẹ bảo. Điều này cho thấy con đã bước sang giai đoạn phát triển khác. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần giúp con hiểu những việc con không nên làm. Tuy vậy, đừng nên cằn nhằn con một cách vô lý hoặc la mắng quá dữ dội. Nếu cha mẹ làm vậy thì con sẽ trở nên chống đối và cứng đầu.
Trẻ có những thay đổi khác nhau từng thời kỳ. Nếu cha mẹ hiểu được rằng mỗi giai đoạn phát triển chỉ đơn thuần là một giai đoạn phát triển thì họ có thể nuôi dạy con dễ dàng hơn, quan sát và nhìn nhận những việc con làm một cách bao dung, đồng thời sẽ không phạm phải bất cứ sai lầm nghiêm trọng nào. Ngược lại, nếu cha mẹ tỏ ra nóng nảy thì họ chỉ khiến con họ tổn thương.
Trích dẫn từ sách “Ba chìa khóa vàng nuôi dạy con theo phương pháp SHICHIDA”