Để con có được một hành trang đầy đủ, chuẩn bị bước vào đời thì kiến thức thôi là chưa đủ, bên cạnh đó tính cách mạnh mẽ cũng là yếu tố quyết định thắng bại khi con phải đương đầu với tình huống khó khăn nào đó. Nếu không được trang bị đúng cách, con sẽ dễ lún sâu vào thất bại và không thể tự đứng dậy, tệ hơn là có thể nghĩ đến việc tự vẫn. Vậy cha mẹ nên làm gì để con luôn vững vàng trước mọi thử thách, cùng theo dõi những chia sẻ của phương pháp Shichida nhé!
Rèn luyện tinh thần cho con
Trẻ cần gì để có thể tồn tại khi trưởng thành? Không phải là kiến thức, mà là tính cách mạnh mẽ để không bao giờ nhụt chí khi đương đầu với trở ngại. Không có tính cách mạnh mẽ, trẻ có thể thất bại khi đương đầu với tình huống khó khăn. Trong một số trường hợp, trẻ có thể đầu hàng thất bại, không thể đứng dậy hay thậm chí là nghĩ đến việc tự vẫn. Thay vì đương đầu và vượt qua thử thách, trẻ thường chọn con đường dễ dàng để tránh những tình huống khó khăn. Trong trường hợp này, trẻ sẽ không đạt được thành tựu đáng kể nào. Do vậy, ngay khi con bạn còn nhỏ, bạn cần rèn cho con lòng can đảm để đối mặt với mọi trở ngại.

Các quý tộc Anh dạy con họ hai điều quan trọng: thứ nhất là lạc quan, thứ hai là can đảm. Đây là hai phẩm chất quan trọng mà giới quý tộc Anh cần phải có và là những bài học quan trọng dành cho con trẻ. Họ cho rằng hai phẩm chất này có thể giúp trẻ vượt qua trở ngại. Vậy, phải làm thế nào để giúp con thấm nhuần hai phẩm chất này? Để có được những tính cách này, điều quan trọng là trẻ phải xem trọng chính mình và xây dựng được hình ảnh tích cực về bản thân. Đây chính là lý do bạn không thể nuôi dạy con bằng cách la mắng con vô lối và nói con là đứa xấu tính hay con là đứa chuyên gây rắc rối. Trước mặt con, đừng than vãn với người khác những điều như: “Con tôi là đứa chuyên gây chuyện. Nó chẳng bao giờ nghe lời tôi và luôn khiến tôi lo lắng”. Vì khi nghe bạn nói thế, con sẽ nghĩ con là người như vậy. Trẻ nhỏ có xu hướng tạo dựng hình ảnh về bản thân dựa trên những gì mà cha mẹ nói về chúng.
Có bốn yếu tố quan trọng giúp con bạn xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân:
- Thứ nhất, cha mẹ yêu thương con và con cảm nhận được tình yêu đó một cách trọn vẹn. Nếu đứa trẻ lúc nào cùng bị la mắng và bị đóng khung trong những lời lẽ tiêu cực từ cha mẹ thì trẻ sẽ cảm thấy mình không xứng đáng với kỳ vọng của cha mẹ.
- Thứ hai, hãy tin rằng con của bạn có những khả năng tuyệt vời. Trẻ sẽ đánh giá bản thân dựa trên những gì chúng có thể làm được. Vì vậy, bạn phải giúp con nâng cao khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu bạn đánh giá con bằng những tiêu chuẩn quá khắt khe, con sẽ dễ nhụt chí. Trái lại, nếu bạn cho rằng “Con không làm được một vài thứ là chuyện bình thường” thì khi con đạt được điều đó, con sẽ cảm thấy rất tuyệt vời. Dần dần, càng ngày con sẽ càng làm tốt hơn nữa. Nếu bạn luôn đánh giá con mình một cách tích cực thì năng lực của con bạn sẽ được cải thiện.
- Thứ ba, cha mẹ cần giúp con thấm nhuần những chuẩn mực đạo đức. Chúng ta nên cố gắng giáo dục con theo chiều hướng giúp con nhận thức được trách nhiệm xã hội của bản thân. Con cần có nhận thức rõ ràng về đạo đức và tinh thần trách nhiệm.
- Thứ tư, cha mẹ nên nuôi dạy con trở thành người có sức ảnh hưởng. Hãy nuôi dạy và giúp con cảm nhận được rằng sự tồn tại của con có ảnh hưởng tích cực lên những người xung quanh con. Vì nếu trẻ cảm thấy chúng chẳng có khả năng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người khác hoặc nhận thấy bản thân là một người tẻ nhạt thì lớn lên chúng sẽ trở thành một người thụ động và thờ ơ.
Để nuôi dạy được một đứa trẻ tự tin, cha mẹ cần thể hiện tình yêu thương dành cho con một cách rõ ràng. Nếu bạn muốn con mình nhìn nhận một cách tích cực về bản thân thì quá trình nuôi dạy con phải đáp ứng được bốn yếu tố trên. Để đạt được điều này, cả cha lẫn mẹ cần phải kiên trì nuôi dạy con bằng cách nghiêm khắc thực thi những kỷ luật cần thiết. Họ phải giúp con sống có ý chí và can đảm phấn đấu nhằm đạt được những mục đích cao xa nhưng khả thi. Nếu cha mẹ cầu toàn, đòi hỏi sự hoàn hảo và hay trách mắng từng lỗi nhỏ của con thì cha mẹ chỉ có thể tạo nên những đứa trẻ nóng nảy và căm ghét bản thân mình. Ngược lại, nếu cha mẹ giúp con sống vô tư, cho con cơ hội trải nghiệm phong phú và chú tâm phát triển năng lực của con thì cha mẹ sẽ tạo nên những đứa trẻ mạnh mẽ và tự tin vào chính bản thân mình.
Những đứa trẻ nhìn nhận tích cực về bản hân thường quen với cảm giác: “Tôi không bao giờ bị đánh bại! Tôi nhất định sẽ thành công!”. Nói cách khác, những đứa trẻ này rất có nghị lực. Cha mẹ nên hợp tác để giúp con trau dồi kỹ năng xây dựng các mối quan hệ. Để làm được điều này, cha mẹ phải dạy con biết sống ngăn nắp, tích lũy kinh nghiệm ngoài xã hội, ân cần, chu đáo, có phong thái đĩnh đạc, có năng lực, có kỹ năng ngôn ngữ tốt và có nhiều bạn bè. Ngay cả khi con gặp vấn đề, cha mẹ vẫn cần phải kiên nhẫn hỗ trợ con để giúp con có được nghị lực, sức mạnh tinh thần và xây dựng được hình ảnh vững chắc về bản thân.
Chúng ta nên rèn kỷ luật cho con như thế nào?
Rõ ràng là không nên dạy con trở thành đứa trẻ ích kỷ. Phần quan trọng nhất của quá trình giáo dục là dạy cho con biết cách tự kiểm soát bản thân. Con bạn nên hiểu rằng trên đời này có những việc mà chúng không được phép làm. Dạy con biết cách kiềm chế bản thân để không làm một việc gì đó dù con rất muốn làm là bước vô cùng quan trọng. Bạn không nên cho phép con làm tất cả những việc mà chúng muốn; hoặc vô tư sống ích kỷ. Bởi vì, việc dung túng con sống ích kỷ cuối cùng sẽ chỉ tạo nên một con người thất bại. Khi một người bước vào xã hội, họ cần tuân thủ các nguyên tắc, luật lệ và biết cách cư xử phù hợp. Nếu không học được điều này thì người đó sẽ trở thành gánh nặng đối với những người xung quanh.

Để giúp con học được các quy tắc xã hội, trước tiên bạn nên đề ra những quy tắc trong gia đình. Khi con biết tuân thủ những quy tắc trong gia đình, con sẽ hiểu thế nào là tự do và tinh thần trách nhiệm. Sống trong xã hội, trẻ không thể chỉ nghĩ đến sự tự do cá nhân. Tôn trọng tự do của người khác là điều hết sức cần thiết, bởi nếu trẻ coi trọng sự tự do của bản thân mà gây ra rắc rối cho người khác thì sự tự do này rất đáng lo ngại. Do đó, khi thiết lập những quy tắc trong gia đình, bạn nên cho trẻ tham gia vào quá trình này. Bạn cần thiết lập một bản “nội quy gia đình” hợp lý và hiệu quả. Nếu bạn làm được như vậy thì việc nuôi dạy con sẽ trở nên rất thuận lợi.
Bản “nội quy” cần bao gồm đầy đủ 3 điểm sau:
- Không làm tổn thương người khác.
- Không gây rắc rối cho người khác.
- Làm việc của mình một cách có trách nhiệm.
Có những bậc phụ huynh cương quyết áp dụng phương pháp giáo dục con thông qua việc khen ngợi. Họ tin rằng họ không nên la mắng con mà chỉ nên vui vẻ và mỉm cười. Nhưng như vậy là chưa đủ, bởi vì xã hội được hình thành dựa trên các quy định. Để tránh nuôi dạy nên một đứa con ích kỷ, cho rằng mình chẳng có trách nhiệm gì hoặc tin rằng chỉ có người khác mới phải chịu trách nhiệm, trước tiên bạn nên tập cho con thói quen tuân thủ các quy tắc của gia đình một cách rạch ròi. Bạn cũng nên thỏa thuận với con rằng khi con làm trái quy tắc thì con sẽ phải chịu phạt. Khi con bạn vi phạm một quy tắc nào đó, trước hết hãy nói cho con biết vì sao con không nên làm như vậy. Nếu con bạn tiếp tục vi phạm hết lần này đến lần khác thì bạn cần phải nghiêm khắc la mắng con.
Tác giả gợi ý một số mẹo bạn có thể dùng khi la mắng con. Có điều, bạn cần thực sự hiểu con trước khi la mắng chúng.
- Chỉ la mắng con trong vòng 1 phút. Sau khoảng thời gian này, bất cứ lời quở trách nào cũng sẽ phản tác dụng.
- Chỉ nên la mắng con về sai lầm hiện tại, đừng bới móc những chuyện từ hôm qua hay từ tuần trước…
- Đừng chỉ trích bản thân con, chỉ la mắng đúng lỗi lầm mà con mắc phải.
Khi bạn xây dựng bản “nội quy”, bạn nên trao đổi những vấn đề nêu trên với con để có được sự đồng thuận giữa các bên, giúp tạo dựng bầu không khí gia đình vui vẻ. Do đã vạch ra nguyên tắc rõ ràng, bạn sẽ không dễ rơi vào trạng thái đa cảm hay mềm lòng khi la mắng con. Vì các thành viên trong gia đình đã thống nhất rõ ràng nên xích mích giữa bạn và con sẽ biến mất. Khi con bạn làm sai việc gì, bạn cần phải cho con cơ hội “trải nghiệm” việc bị la mắng. Những đứa trẻ chưa từng bị la mắng thường không đủ sức đề kháng đối với việc này. Khi bước vào xã hội, chúng dễ bị tổn thương nặng nề. Sau này lớn lên, chúng sẽ trở thành những người yếu đuối, dễ chán nản khi bị cấp trên quở trách.
Bạn nên cố gắng giúp con biết nhận ra sai lầm của bản thân và có khả năng suy ngẫm về những sai lầm đó. Sau khi la mắng con, bạn cần lưu ý khen ngợi con một cách chân thành khi trẻ hiểu ra lỗi lầm của mình và nói lời xin lỗi. Điều này sẽ giúp con có khả năng suy xét sâu hơn về những hành động mình đã làm, để chúng hiểu rằng kể cả khi cha mẹ la mắng chúng, đó cũng là những lời la mắng vì tình yêu thương.
Trích dẫn từ sách “Ba chìa khóa vàng nuôi dạy con theo phương pháp SHICHIDA”