Cách giúp trẻ nâng cao khả năng quan sát, cảm nhận và mở rộng tầm nhìn về thế giới thực thông qua các dụng cụ đơn giản bằng phương pháp Montessori là điều tuyệt vời. Mọi tài liệu đều hỗ trợ một khía cạnh phát triển của trẻ, tạo ra sự phù hợp giữa sở thích tự nhiên của trẻ và các hoạt động có sẵn. Ngoài ra, trẻ có thể học thông qua những kinh nghiệm và tốc độ hiểu của riêng mình, nhằm đáp ứng và thỏa mãn sự tò mò về thế giới thực đang diễn ra xung quanh trẻ.

Các dạng địa hình
Bạn giúp trẻ thám hiểm thế giới thực tế, bắt đầu từ một quan sát đơn giản: sự tương phản giữa đất và nước. Trẻ sẽ khám phá ra nhiều loại địa hình khác nhau, mà sau đó trẻ có thể nhận diện chúng ở gần nhà mình, trên một quả địa cầu và trong sách địa lý. Chúng ta chỉ cho trẻ các hình dạng khác nhau mà đất và nước tạo thành khi gặp nhau, nhờ vào mười chiếc khuôn*, mỗi khuôn thể hiện một sự hình thành địa lý khác nhau. Các khuôn được đưa vào theo cặp khớp với nhau, thành năm lần giới thiệu: hồ và đảo, vịnh và bán đảo, vịnh và mũi đất, eo biển và eo đất, tập hợp hồ và quần đảo.
Chuẩn bị một bình nhỏ đựng nước màu xanh, cặp khuôn đầu tiên, một tấm tạp dề, một miếng bọt biển và xô (để đồ nước vào đó khi kết thúc hoạt động).
Bạn đổ nước vào trong khuôn (ví dụ như khuôn hình đảo) đồng thời chú ý không để nước ngập lên phần đảo. Bạn bảo trẻ chỉ cho mình phần đất, rồi phần nước và nhận xét: “Có nước bao quanh khắp phần đất”. Thế rồi, trẻ đổ nước vào khuôn thứ hai. Bạn cũng nhận xét về vị trí của đất và nước. Yêu cầu trẻ so sánh hai khay bằng cách chỉ theo đường viền quanh đất giáp với nước (trên bờ biển). Trẻ sẽ nhận thấy chúng có hình dạng giống nhau. Bạn tiếp tục giới thiệu các cặp khuôn khác theo cách này và trẻ tự tay điều khiển các khuôn tùy thích. Ở giai đoạn khám phá này, chúng ta chưa cần dạy trẻ từ vựng.
*Các khuôn này có trên trang web giáo cụ Montessori. Khuôn có thể được làm bằng thạch cao. Trong một chiếc khuôn bánh nhỏ hình vuông, có thể tạo các dạng địa hình bằng thạch cao. Sơn khuôn và thạch cao màu xanh dương, kết thúc bằng việc sơn tất cả những phần đất cao hơn nước bằng màu nâu.
Thẻ địa hình
Để hỗ trợ sự khám phá bằng giác quan này, bạn làm mười thẻ bằng bìa cứng về các dạng địa hình, với giấy màu xanh đại diện cho biển và giấy nhám đại diện cho đất (kích thước khoảng 15cmx15cm). Bạn giới thiệu các thẻ, gắn với từng khuôn và giải thích với trẻ rằng các thẻ này là minh họa cho khuôn. Để tạo sợi dây liên kết giữa thẻ và khuôn, bạn chỉ phần đất ở trong khuôn tương ứng với phần đất ở trên thẻ (nước cũng giống như vậy). Chúng ta cho trẻ sờ vào các tấm thẻ bằng cả bàn tay để cảm nhận sự tương phản giữa đất và nước rồi dùng ngón tay chỉ theo đường viền của phần đất.
Trước tiên, trẻ sẽ kết hợp thẻ với khuôn, sau đó sẽ có thể xếp thành từng đôi bổ sung cho nhau. Bạn dạy cho trẻ tên của dạng địa hình bằng cách sử dụng bài học ba giai đoạn với hai cặp trong mỗi bài học: “Một vùng đất (sờ vào đất) được nước biển bao quanh (sờ vào nước) được gọi là đảo.” Sau đó đến lượt trẻ. Bài học khám phá các dạng địa hình nên tiến hành ít lần sau khi giới thiệu các loại quả địa cầu và song song với sự khám phá các trò chơi xếp hình.
>>> Có thể bố mẹ cần: Làm quen với giáo cụ Montessori để khám phá những điều thú vị.
Tạo các dạng địa hình
Trẻ có thể tự mình tạo các dạng địa hình bằng đất. Hoạt động nặn đất giúp trẻ hiểu rõ hơn các khái niệm. Trẻ có thể tự tạo ra hòn đảo hay hồ nước. Vật liệu bao gồm: hai khay nhựa màu xanh, đất sét bọc trong vải ẩm, dao nhựa để cắt đất, một bình nước màu xanh dương nhỏ, một khăn lau, một tạp dề và một cái xô.
Bạn để hai khay lên bàn phía trước mặt. Dàn đều đất vào trong khay thứ nhất sao cho đất bao phủ toàn bộ bề mặt. Dùng dụng cụ cắt một miếng ở giữa rồi khéo léo lấy miếng đất lên, để vào khay thứ hai. Rồi đổ nước vào trong cả hai khay, chú ý không để nước tràn lên bề mặt đất. Sau đó, vừa chỉ vào hố ở giữa đất, bạn vừa nhắc lại với trẻ: “Nước được đất bao phủ xung quanh chính là hồ.” Rồi chỉ vào phần đất ở trong nước và nói: “Đất được nước bao phủ khắp các phía chính là hòn đảo”. Trẻ có thể cắm một lá cờ nhỏ mang tên dạng địa hình đó. Tiếp theo, bạn lấy đất từ hai khay ra, viên tròn lại. Bây giờ đến lượt trẻ thực hành nếu trẻ muốn.
Chúng ta cũng chỉ cho trẻ cách thu dọn tất cả đồ dùng: Tập hợp đất rồi bọc trong một miếng vải ẩm, nghiêng chiếc khay để đổ nước vào xô, đổ nước bắn vào bồn thoát nước, cọ sạch đất trong khay, lau rửa khay và dùng giẻ lau bàn.
Thẻ phân loại các dạng địa hình
Khi trẻ biết tất cả các dạng địa hình thì bạn giới thiệu cho trẻ các thẻ này để củng cố kiến thức và đề cập đến các khái niệm một cách trừu tượng hơn. Các tấm thẻ gồm ba phần giúp trẻ học cách viết tên các dạng địa hình và khái niệm của chúng.
Giai đoạn đầu, trẻ kết hợp các hình thẻ ảnh và các thẻ từ. Trẻ cũng có thể kết hợp với các bức ảnh hoặc với các định nghĩa. Chúng ta làm một cuốn sổ bao gồm hình ảnh và định nghĩa liên quan. Trẻ có thể dựa vào đó để tự chỉnh sửa lại. Trẻ cũng có thể thực hiện cắt dán. Bạn chuẩn bị vài tờ giấy màu xanh và màu nâu, có kích thước giống các thẻ ghép, một bút chì, kéo và hồ dán. Trên tờ giấy màu nâu, trẻ tùy ý vẽ dạng địa hình rồi cắt ra. Trẻ dán hai phần màu nâu thu được lên hai tờ giấy màu xanh. Trẻ sẽ thực hiện được hai dạng địa hình tương phản (hòn đảo và hồ nước, vịnh to và vịnh nhô,…). Trẻ có thể nhìn vào sổ để viết tên lên tác phẩm cắt dán của mình.
“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”