Sau khi nhận biết các châu lục, khám phá địa hình của từng châu lục. Điều tiếp theo mà chắc chắn trẻ sẽ rất thích thú đó là tìm hiểu về các lá cờ tượng trưng cho từng đất nước, hiểu thêm về đại dương và các loại đá, cảm nhận các yếu tố như gió, hay tự tay tạo ra ngọn núi lửa đang phun trào,… Để có thể hướng dẫn trẻ thực hiện các hoạt động đó và mang lại hiệu quả tốt nhất, bố mẹ có thể tìm hiểu về bộ giáo cụ Montessori và hướng dẫn trẻ theo phương pháp Montessori.

Nhận biết lá cờ của các nước
Lá cờ
Có quá nhiều lá cờ khác nhau nên trẻ khó mà nhận biết được hết. Để bắt đầu, bạn giới thiệu cho trẻ một số lá cờ trên thế giới (khoảng ba mươi chiếc) và cắm trên một tấm bản đồ. Có bộ giáo cụ Montessori phục vụ hoạt động này nhưng có thể dễ dàng tự tạo ra bộ giáo cụ đó. Sau khi trẻ đã thấy những lá cờ trên, trẻ có thể học nhận biết những lá cờ thuộc châu lục mình đang sống. Bạn giới thiệu bản đồ Châu Âu cho trẻ cùng với các lá cờ. Đề nghị trẻ chọn một nước trên bản đồ và chỉ cho trẻ biết rằng đất nước này mang một mã số. Bạn tìm số đó trong quyển sổ đáp án (ghi tên, số hiệu và cờ của từng nước) rồi nhìn xem lá cờ của nước đó như thế nào. Sau đó, tìm lá cờ trong số những lá cờ nhỏ, cắm vào lỗ, đúng vị trí quốc gia đó trên bản đồ.
Bạn giới thiệu như vậy đối với tất cả các lá cờ ở trong hộp (trong nhiều buổi) đồng thời chú ý đến tốc độ tiếp thu của trẻ. Trong các buổi giới thiệu, yêu cầu trẻ giúp bạn tìm lá cờ. Bạn nhận xét về vị trí của các bộ phận của lá cờ, các hình vẽ và màu sắc trên lá cờ – việc đó giúp trẻ ghi nhớ. Trẻ có thể thực hiện hoạt động khi muốn và làm việc một mình nhờ vào cuốn sổ đáp án. Bạn cũng có thể chuẩn bị các lá cờ với tên các thủ đô và làm một loạt các lỗ mới trên bản đồ. Để chỉnh sửa, trẻ kiểm tra trên bản đồ đáp án mà bạn in ra.
*Hãy làm và in những lá cờ nhỏ rồi đính lên que tăm. Chuẩn bị một tấm bản đồ gồm các châu lục và các nước được đánh số rồi dán lên tấm nhựa mica. Đột lỗ trên tấm nhựa để làm chỗ cắm cờ. Cũng cần phải in một cuốn sổ hay bảng đáp án trong đó có mã số, tên nước và cờ.
Các bộ phận của lá cờ
Khi bạn giới thiệu lá cờ cho trẻ, giới thiệu các thẻ danh mục, các bộ phận của lá cờ (cán cờ, dây kéo, biểu tượng, phần trên lá cờ và đuôi cờ). Bạn cũng cung cấp cho trẻ lá cờ trắng để tô màu. Trẻ phải quan sát tinh tế thì mới tô vẽ được lá cờ. Việc này giúp trẻ ghi nhớ.
Các đại dương
Trong giáo cụ Montessori có trò chơi xếp hình các đại dương giúp trẻ thực hiện bằng tay. Nhưng chúng ta cũng có thể bảo trẻ tự làm tấm bản đồ lục địa và đại dương của riêng mình. Bạn cần chuẩn bị: một tấm bản đồ thế giới in trên giấy A3, một bát đựng cát mịn cùng một chiếc thìa, một lọ hồ dán nhỏ, một chổi phết hồ, sơn màu xanh và hai chổi vẽ.
Đầu tiên trẻ sơn biển và đại dương bằng sơn màu xanh rồi để khô. Sau đó, trẻ phết hồ lên khu vực đất, đổ cát lên tất cả các phần có hồ rồi dùng chổi vẽ khô tán đều. Để kết thúc, trẻ dán biển tên đại dương vào đúng chỗ. Trẻ phải tự làm và tự chỉnh sửa nhờ vào bản đồ đáp án.
Các loại đá
Khi giới thiệu với trẻ về lục địa, bạn có thể đưa ra một khay các loại đá và khoáng vật để hướng dẫn trẻ quan sát bằng kính lúp và phân loại. Đầu tiên, bạn xếp chúng theo cặp để làm tăng khả năng quan sát. Dĩ nhiên, cần tìm những viên đá có hình dáng hấp dẫn để cuốn hút trẻ (chẳng hạn như đá pirit). Khi trẻ đã quan sát kỹ, bạn có thể trao đổi với trẻ. Chúng giống và khác nhau ở điểm nào? Bạn cũng có thể yêu cầu trẻ sờ vào đá, cầm lên xem,… Chúng nhẵn nhụi hay sần sùi, nặng hay nhẹ?
Sau này, bạn có thể cho trẻ biết tên các loại đá và giai đoạn sau nữa thì cho trẻ biết ba nhóm để phân loại: đá macma, đá biến chất, đá trầm tích.
>>> Có thể bạn cần: Đưa trẻ đến với thế giới tự nhiên qua phương pháp Montessori.
Núi lửa
Các loại địa hình và hoạt động quan sát đá đưa chúng ta đến một chủ đề thú vị: núi lửa. Bạn cùng trẻ quan sát nhiều mẩu đá núi lửa (như đá bazan, đá bọt, đá vỏ chai), cùng xem sách về núi lửa rồi đề nghị trẻ làm một quả núi lửa!
Chuẩn bị: một chiếc khay, đất sét, một lọ thủy tinh nhỏ, một cái phễu, bình đựng nước nhuộm màu đỏ, nước rửa bát, bột nở và tạp dề. Yêu cầu trẻ đắp một quả núi bằng đất bọc quanh chiếc lọ, phủ hoàn toàn chiếc lọ nhưng để hở “miệng núi lửa”. Trẻ dùng phễu rót nước từ trong bình vào miệng núi lửa, rồi đổ lên một chút nước rửa bát. Để tạo ra hiện tượng phun trào, trẻ đổ vào hai thìa bột nở. Chúng ta sẽ được nhìn thấy ngay hiện tượng phun trào thú vị! Tiếp theo, bạn giới thiệu các thẻ danh mục mô tả các phần của núi lửa (chỉ đơn giản ở mức độ này). Trong vài tuần, bạn cho trẻ các thẻ cùng mô hình núi lửa để trẻ làm lại thí nghiệm này, một vài cuốn sách và những viên đá để quan sát qua kính lúp.

Gió
Khi cùng trẻ đi dạo, chúng ta có thể nói chuyện về gió. “Làm thế nào chúng ta biết là có gió? Con đang cảm thấy thế nào?”
Bạn giải thích rằng, gió là một yếu tố thời tiết và gió được hình thành khi khí nóng và khí lạnh gặp nhau: khí nóng dâng lên và nở ra; còn khí lạnh tràn vào chỗ của khí nóng. Sự chuyển động như vậy của không khí tạo ra gió. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó bằng cách mở cửa ra: sự chênh lệch nhiệt độ gây ra luồng gió. Tóm lại, gió chính là sự chuyển động của không khí. Trong vòng một tuần, hãy chú ý đến điều đó mỗi khi bạn cùng trẻ đi ra ngoài: “Hôm nay có gió không? Gió nhẹ hay mạnh, gió nóng hay mát…?”
Bạn tìm cách kết nối trẻ với môi trường và các hiện tượng tự nhiên. Trẻ có thể làm chong chóng bằng giấy và bạn bày cho trẻ cách quay nhẹ chong chóng để tìm thấy gió. Khi chong chóng quay nhanh, trẻ sẽ thấy gió đến từ hướng nào. Làm một lá cờ bằng vải rồi cắm lên chậu hoa, để trên bậu cửa sổ cũng là cách để nhận thấy có gió (và liên hệ với các phần của lá cờ).
Vũ trụ
Ngay khi mới năm tuổi, trẻ đặt rất nhiều câu hỏi về vũ trụ. Qua cuốn sách về các hành tinh, bạn có thể trò chuyện với trẻ về hệ mặt trời, về hàng nghìn tiểu hành tinh và mặt trời. Bạn hãy cung cấp cho trẻ dụng cụ cần thiết để vẽ hay cắt dán hệ mặt trời. Sản phẩm sẽ được treo trong phòng ngủ của trẻ. Bạn cũng in một bộ thẻ phân loại các hành tinh, mặt trời và mặt trăng. Sau đó, có thể kể cho trẻ câu chuyện về cuộc thám hiểm mặt trăng, giải thích cho trẻ các nhà du hành vũ trụ sống như thế nào trong không gian. Ban đêm, bạn có thể cùng trẻ ra ngoài quan sát dải ngân hà. Trẻ em thích cảm giác mình thuộc về vũ trụ.
“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”