Hướng dẫn trẻ nhận biết sự vật trên các châu lục bằng phương pháp Montessori

Việc cho trẻ tiếp cận với các giáo cụ Montessori để nhận biết sự hiện hữu của sự vật trên các châu lục được gọi là “công việc”, còn những hoạt động mà trẻ chơi với các trò chơi trong cuộc sống hàng ngày được gọi là “vui chơi”. Khi trẻ tiếp cận với các giáo cụ sẽ tạo được sự nghiêm túc, thành thực, chuẩn xác, tinh thần trách nhiệm và thói quen giữ kỉ luật của trẻ nhưng vẫn đảm bảo sự tự do, hào hứng ở trẻ mà những “vui chơi” hàng ngày không thể làm được. Để được như vậy, bố mẹ có thể tìm hiểu cách hướng dẫn trẻ bằng phương pháp Montessori để đạt được hiệu quả trong quá trình khám phá thế giới của trẻ.

Hướng dẫn trẻ nhận biết sự vật trên các châu lục bằng phương pháp Montessori
Hướng dẫn trẻ nhận biết sự vật trên các châu lục bằng phương pháp Montessori

Động vật trên các châu lục

Hoạt động này tiếp nối chuỗi khám phá các châu lục. Cần phải chuẩn bị một chiếc giỏ chứa các con vật, mỗi châu lục khoảng năm con.

Lúc đầu, bạn xem trẻ đã tự mình nhận dạng được những con vật nào, sau đó, dạy cho trẻ tên các con vật mà trẻ chưa biết. Đối với mỗi con vật, bạn nên đưa ra vài thông tin đơn giản: nơi sống và thức ăn (thường liên quan với nhau), một số đặc điểm (chẳng hạn như: chim cánh cụt là loài chim không biết bay) và mối quan hệ của con vật đó với con người (động vật hoang dã hay vật nuôi). Bạn tiếp tục cho trẻ tìm hiểu các con vật này tùy theo mối quan tâm và khả năng ghi nhớ của trẻ. Khi chúng ta tiếp tục hoạt động này vào ngày hôm sau, không được quên ôn lại những gì đã học trước đó.

Khi trẻ biết rõ hơn về các con vật, chúng ta cho trẻ đi lấy trò chơi xếp hình bản đồ địa cầu và giỏ đựng các con vật. Bạn chọn một con vật, để riêng trên thảm rồi đề nghị trẻ nhận dạng con vật. Nhắc lại với trẻ một đặc điểm của con vật và cho trẻ tên châu lục mà con vật sinh sống. Tiếp đó, trẻ sẽ lấy miếng ghép châu lục đặt bên cạnh con vật ở trên thảm. Bạn tiếp tục bằng cách phân loại tất cả các con vật theo châu lục. Sau đó, trẻ có thể làm lại việc phân loại này, làm một mình hoặc được hỗ trợ. Trẻ có thể tự sửa nhầm lẫn (hoặc được trợ giúp) bằng đáp án cho từng châu lục, ghi rõ các con vật sinh sống ở châu lục đó.

Đến lúc này, bạn có thể kể những câu chuyện về động vật. Đây cũng là lúc bổ sung sách về động vật trong thư viện gia đình, những cuốn sách mà trẻ sẽ thích xem.

Mẹ và bé ở các châu lục

Đây là hoạt động giới thiệu sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới (có thể sáng tạo ra những hoạt động khác theo nguyên tắc này). Đối với hoạt động này, bạn in ảnh các bà mẹ cùng những bạn nhỏ tiêu biểu cho từng châu lục, xếp ảnh vào các túi nhỏ theo màu sắc của các châu lục. Mặt sau các hình ảnh in hình dáng của từng châu lục để giúp sửa lại khi nhầm lẫn.

Tương tự hoạt động số 5, bạn cùng trao đổi với trẻ về các hình ảnh: trang phục, hoạt động, nơi sống,… và kết hợp với châu lục tương ứng. Như vậy, bạn đã cho trẻ làm quen với tất cả các hình ảnh. Sau này, trẻ có thể một mình lấy ra nhiều túi ảnh, tìm các châu lục trên bản đồ xếp hình thể giới rồi phân loại hình ảnh.

Ẩm thực các nước

Đây là hoạt động thực hành giúp cho việc nghiên cứu về một châu lục hay một đất nước trở nên sinh động. Chẳng hạn, việc cùng nhau chuẩn bị một bữa ăn kiểu Nhật Bản giúp trẻ khám phá cách xào nấu bằng chảo sâu lòng, cắt rau quả thành từng miếng dài, làm quen với giá đỗ, củ gừng, nước tương, chè nhài,… Thế rồi, trẻ sẽ có thể tập ăn bằng đũa và sẽ hiểu tầm quan trọng của gạo!

Một bữa ăn Ấn Độ sẽ giúp trẻ khám phá bột nghệ tây (safran) có nguồn gốc từ một lòa hoa (hoa nghệ tây – crocus sativus), giúp nhuộm vàng cơm và đôi khi còn dùng để nhuộm cả quần áo nữa (đi tham quan vườn nghệ có thể là ý tưởng hay)… Vào lúc sắp mâm, hãy cùng nhau tìm kiếm những chi tiết gợi lại văn hóa của đất nước đó – chẳng hạn như lá cờ nhỏ của đất nước đó.

Người bạn quốc tế qua thư

Có một người bạn cùng trang lứa ở nước ngoài để trao đổi thư từ sẽ đem lại cho trẻ cơ hội khám phá một lối sống khác với mình. Bạn giúp trẻ thường xuyên trao đổi, lựa chọn những điều thú vị trong văn hóa hay lối sống của trẻ để gửi tới người bạn đó. Việc trao đổi qua thư giúp trẻ suy nghĩ về những gì chúng làm ở nhà mình và so sánh với những gì diễn ra ở nơi khác. Bởi lẽ người bạn nước ngoài cũng là một đứa trẻ, cũng có gia đình, trường học, sở thích và có hành động như chúng,… nhưng hơi khác một chút!

Lối giáo dục trẻ tư duy mở và biết chia sẻ này giúp trẻ biến tôn trọng các công dân khác trên thế giới.

“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”

Đăng ký
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tư vấn nuôi dạy trẻ hàng ngày!

    Tham gia Cộng đồng Cha Mẹ:

    Follow Us