Có nhiều bậc cha mẹ quan niệm rằng: trẻ còn nhỏ thì không cần phải biết quá nhiều về thế giới tự nhiên, địa lý xung quanh. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì đây là giai đoạn mà trẻ cần được tiếp xúc và có sự tò mò về thế giới xung quanh. Vì vậy việc dạy cho trẻ những kiến thức về địa lý là vô cùng hữu ích cho sự phát triển trí tuệ cũng như khả năng khám phá môi trường sống xung quanh của con. Tùy vào độ tuổi và giai đoạn phát triển mà bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ những nội dung phù hợp như: các châu lục, ghép hình các châu lục, vẽ và cắt dán,… Nhưng làm cách nào để những hướng dẫn của bố mẹ giúp trẻ dễ hiểu, tiếp thu nhanh thì bố mẹ có thể tham khảo hướng dẫn con hiểu hơn về các châu lục bằng phương pháp Montessori. Tham khảo ngay bên dưới nhé.

Ghép hình Trái đất
Mỗi lục địa là một miếng ghép có núm cầm. Màu sắc giống với màu ở trên quả địa cầu châu lục. Trò chơi xếp hình này giúp trẻ tăng hiểu biết, cảm nhận về hình dáng và vị trí của các châu lục.
Để hình dung việc chuyển từ hình cầu sang mặt phẳng, đầu tiên chúng ta so sánh hình ghép với quả địa cầu: Dùng hai đĩa giấy che hai nửa hình cầu trên hình ghép rồi đưa quả địa cầu ra trước mặt trẻ: “Trên quả địa cầu, con chỉ nhìn thấy phía trước mặt con, chẳng hạn như phía này.” Khi đó bạn bỏ đĩa giấy ra để cho trẻ thấy bán cầu tương ứng: “Phần này (chỉ nửa hình cầu trên hình ghép) chính là phần này trên quả địa cầu.” Bạn làm tương tự với phía bên kia rồi kết luận: “Hình ghép này biểu thị Trái đất trên mặt phẳng. Hình ghép cho chúng ta thấy cả hai phía cùng một lúc.” (cho trẻ xem cả hai bán cầu).
Để giúp trẻ nhận biết sự giống nhau giữa quả địa cầu với hình ghép, bạn chỉ các châu lục trên quả địa cầu và đề nghị trẻ tìm chúng trên hình ghép. Sau đó, bạn thu quả địa cầu lại, để giới thiệu hình ghép. Bạn bỏ ra ba mảnh ghép rồi đặt không theo thứ tự trên thảm. Bạn lấy từng mảnh ghép, quan sát rồi nhẹ nhàng đặt lại vào đúng chỗ. Sau đó, bảo trẻ làm giống như vậy với những miếng ghép đó, rồi với tất cả các miếng ghép. Tiếp theo, bạn đưa ra tên các châu lục, bắt đầu bằng châu lục nơi trẻ sống, với một bài học ba phần.
Một bạn nhỏ có thể đặt lên hình ghép những nhãn dán có tên các châu lục (một thẻ in sẵn giúp trẻ kiểm tra). Chúng ta cũng chuẩn bị những thẻ đã được phân loại để cùng học với trẻ về tên các châu lục.
Hình ảnh về các châu lục

Bạn giới thiệu hoạt động này cho những trẻ đã biết tên các châu lục. Cần phải chuẩn bị bảy túi nhỏ – mỗi túi mang màu sắc của một châu lục*. Trong túi đựng tám hình ảnh minh họa cho mỗi châu lục và một thẻ với hình dáng và tên châu lục.
Bạn yêu cầu trẻ chọn một châu lục trên hình ghép rồi thông báo rằng bạn có những hình ảnh cho trẻ xem. Chúng ta lấy túi nhỏ tương ứng, vừa cho xem từng hình ảnh một vừa khuyến khích trẻ nói ra những gì quan sát được. Bạn để các hình ảnh bên cạnh hình ghép trên thảm. Để kết thúc hoạt động, bạn bày cho trẻ cách sắp xếp các hình ảnh vào trong túi nhỏ như thế nào. Chúng ta làm tương tự với sáu túi nhỏ khác trong nhiều ngày. Sau đó, trẻ có thể tự làm một mình. Khi đó, trẻ lấy ra hai hay ba miếng ghép, lấy các túi nhỏ tương ứng rồi trộn lẫn các hình ảnh. Như vậy, trẻ phải quan sát kỹ các hình ảnh để lựa chọn theo châu lục. Để kiểm tra công việc của mình, trẻ lật tấm thẻ, hình của châu lục phải được vẽ ở mặt sau để tiện cho việc đối chiếu.
*Châu Âu: màu đỏ, châu Phi: màu xanh lá cây, châu Á: màu vàng, Bắc Mỹ: màu cam, Nam Mỹ: màu hồng, châu Đại Dương: màu hạt dẻ và châu Nam Cực: màu trắng.
Ghép hình các châu lục
Chúng ta tiếp tục với hoạt động xếp hình các châu lục và bắt đầu bằng châu lục nơi trẻ đang sinh sống. Bạn nhắc lại với trẻ châu lục nào là nơi trẻ đang sống và bảo trẻ chỉ trên hình ghép địa cầu. Sau đó, trẻ có thể đi tìm hình xếp tương ứng với châu lục đó. Trẻ tập tập lấy ra vài miếng ghép để bắt đầu, bởi lẽ các hình ghép này rất phức tạp.
Đồng thời, bạn bắt đầu hướng dẫn trẻ bài học theo ba bước để học tên các nước. Bạn kể cho trẻ nghe vài sự kiện liên quan đến các nước mà trẻ có thể quan tâm. Bạn tiếp tục theo cách ấy với miếng ghép đất nước, rồi với các hình xếp các châu lục khác – tùy theo mức độ trải nghiệm và mối quan tâm của trẻ. Khi trẻ đã thực hiện dễ dàng hoạt động ghép hình các châu lục, bạn cho trẻ thấy rằng, trẻ có thể ghép hình ở ngoài bảng đỡ và tự luyện tập một mình. Khi trẻ vượt qua giai đoạn này, chúng ta có thể cùng trẻ thực hiện một bản đồ thế giới khổng lồ: xếp sáu tấm thảm thành một hình chữ nhật lớn và cùng trẻ làm các hình ghép các châu lục không đế, tái tạo lại hình dáng bản đồ địa cầu. Một công việc công phu mà trẻ thường rất hứng thú! Dựa vào tất cả những hình ghép đó, trẻ có ấn tượng trực quan sâu sắc về hình dáng và vị trí của các nước trên thế giới.
Vẽ và cắt dán từ hình ghép
Từ các bài học ghép hình trên, trẻ có thể tạo ra các bản đồ riêng của mình. Công việc này giúp trẻ ghi nhớ.
Vẽ
Đối với bản đồ địa cầu, trẻ vẽ hai hình tròn trên một tờ giấy to bằng cách dùng chiếc đĩa bằng bìa cứng, có kích thước tương ứng với một nửa quả địa cầu ở hoạt động 4. Tiếp theo, trẻ đặt hình ghép từng châu lục ở hoạt động 4 vào vị trí tương ứng bến trong mỗi hình tròn, vẽ theo viền rồi tô nền của từng châu lục. Như vậy, dựa vào hoạt động xếp hình, trẻ sẽ tạo ra các miếng xếp riêng của mình rồi tô màu. Đây là công việc tốn thời gian nhưng được trẻ hào hứng thực hiện. Sau đó, trẻ rất tự hào về kết quả đạt được! Trẻ cũng có thể làm tương tự với hoạt động: ghép hình từng châu lục.
Cắt dán
Trên giấy màu xanh dương, trẻ vẽ hai hình tròn đại diện cho hai bán cầu (dùng đĩa bằng bìa cứng), cắt rồi dán lên một tờ giấy trắng to. Sau đó, trẻ vẽ đường viền các châu lục trên các tờ giấy màu tương ứng (sử dụng các hình ghép châu lục). Trẻ cắt (hoặc bấm lỗ đường viền) rồi dán vào đúng vị trí trong các vòng màu xanh dương. Trẻ có thể kết thúc tác phẩm của mình bằng cách dán tên các châu lục hay tên các nước (hoặc viết tên, tùy theo khả năng của trẻ).
“Trích tủ sách ươm mầm – Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori.”