Yêu thương con trọn vẹn thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải yêu thương con đúng cách và làm sao để con cảm nhận rõ nét nhất tình yêu của cha mẹ dành cho con. Chỉ vài hành động nhỏ hay vài câu nói đơn giản cũng khiến con trở nên nhạy cảm, nguồn gốc của mọi vấn đề cũng xuất phát từ đó. Theo phương pháp Shichida thì cha mẹ cần làm như thế nào, kỳ tích gì sẽ xảy ra?
Khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương
Để yêu thương con đúng cách, chúng ta cần phải hiểu được tâm hồn của con. Việc này không dễ chút nào. Trở ngại lớn nhất chính là cha mẹ luôn cảm thấy mình có trách nhiệm phải dạy dỗ con. Từ lúc con được sinh ra, cha mẹ lúc nào cũng nghĩ con mình chẳng biết gì và cần phải được chỉ bảo mọi thứ. Đây là gốc rễ của mọi sai lầm. Khi xem việc dạy dỗ con là điều cốt lõi trong quá trình nuôi dạy con thì nhiều khả năng bạn sẽ thất bại. Việc nuôi dạy con phải dựa trên tình yêu thương con. Bạn cần phải hiểu rằng tình yêu thương sẽ chạm tới tâm hồn và nuôi dưỡng trái tim con.
Nếu bạn lấy việc dạy dỗ con làm trọng tâm thì việc nuôi dạy con sẽ trở nên hết sức khó khăn. Khi tâm hồn con không được bao bọc bằng tình yêu, con sẽ trở nên nổi loạn và hay khóc lóc. Bé sẽ mất hết động lực và rồi sẽ không vâng lời. Nền tảng của việc nuôi dạy con là giúp con phát triển tâm hồn. Vậy, chúng ta nên vun đắp tâm hồn con như thế nào? Để làm được việc này, chúng ta cần phải hiểu tâm hồn con phát triển ra sao. Nhìn vào hình ảnh minh hoạ bộ não người, chúng ta thấy nó được chia thành ba phần như sau:

Trên hình minh họa, phần thấp nhất của bộ não là thân não – phần não tâm hồn. Cần phải hiểu rằng: Đây mới là trung tâm của não, chứ không phải lớp vỏ não mới – phần não trí tuệ. Những hoạt động cơ bản nhất của con người diễn ra ở thân não. Vì thể, để nuôi dạy con khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần và nuôi dưỡng động lực cho con, chúng ta cần chú trọng phát triển bộ phận này. Để làm được điều này, chúng ta cần hiểu được chức năng của thân não. Chức năng của thân não là cho ta cảm giác thân thuộc.
Cảm giác thân thuộc chiếm vị trí ưu tiên, là nhu cầu bản năng của con người. Nếu nhu cầu này được đáp ứng hợp lý thì con sẽ trở thành một người đầy nhiệt huyết. Vậy làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đó? Cảm giác thân thuộc bao gồm nhu cầu được cha mẹ yêu thương. Tuy nhiên, bởi vì cha mẹ không biết cách thể hiện tình thương con sao cho hiệu quả nên nhiều trẻ không có cảm giác thân thuộc này. Chính cảm giác thân thuộc sẽ giúp thắt chặt mối liên hệ tình cảm giữa con và cha mẹ. Đây chính là nền tảng tạo ra động lực cho con. Khi con cảm nhận được điều này từ cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy bình yên và tăng cường khả năng tương giao, tiếp xúc với mọi người. Con sẽ cảm thấy an toàn và có nhu cầu chơi đùa cùng các bạn khác nhiều hơn.
Về bản chất, thân não và da có cùng nguồn gốc tế bào. Trong lúc các tế bào của thai nhi phân chia để tạo thành bộ não thì một phần ngoại bì tạo thành thân não, một phần khác hình thành nên lớp da bao bọc bên ngoài cơ thể. Do đó, việc tiếp xúc qua da rất quan trọng để thỏa mãn cảm giác thân thuộc và tăng cường hoạt động cho vùng thân não. Nói cách khác, việc thường xuyên tiếp xúc vật lý giữa con cái và cha mẹ là điều cần thiết. Đa số các bậc phụ huynh đều cảm thấy họ đã thương con đủ rồi. Tuy nhiên, hầu hết trẻ không cảm nhận được đầy đủ tình cảm đó. Chính “hố ngăn cách” này đã khiến cho việc nuôi dạy con trở nên khó khăn. Vì vậy hãy nhớ lấy hai phương pháp sau để truyền tải trọn vẹn tình yêu thương của bạn đến với con:
- Ôm ấp, hoặc vuốt ve con.
- Chú tâm lắng nghe những gì con nói.
Ôm ấp và vuốt ve con sẽ giúp đánh thức vùng thân não
Thân não là trung tâm của bộ não người. Thân não bao gồm cả vùng dưới đồi (điều khiển hệ thần kinh thực vật) và tuyến yên (điều khiển việc tiết nội tiết tố). Khi hai cơ quan này hoạt động bình thường, hầu hết các loại bệnh tật sẽ được chữa trị bằng khả năng tự chữa lành tuyệt vời của thân não. Tất cả các dây thần kinh của não đều tập hợp ở thân não. Đây cũng là ngọn nguồn điều khiển hoạt động của tim, cũng như “chỉ huy” tất cả các hoạt động của cơ thể. Nếu thông tin được truyền dẫn đến đây chính xác thì tất cả các chức năng của cơ thể sẽ được cải thiện. Một trong những phương pháp có thể được sử dụng để truyền thông tin đến thân não là vuốt ve cơ thể khi nói những lời yêu thương chân thành. Cách làm này có thể thay đổi bất cứ đứa trẻ nào, ngay cả những trẻ bị liệt não cũng sẽ bắt đầu thay đổi.

Sau đây là báo cáo về một trường hợp như thế:
Sau một thời gian liên tục trò chuyện, chúng tôi đã có thể cảm nhận được về nhau.
Mẹ của bé E đưa cháu đến tham dự một buổi học của tôi. E bị liệt não. Bé E sắp tròn 4 tuổi, nhưng cơ thể cháu hoàn toàn mềm oặt, đôi mắt cháu đờ đẫn và cháu không hề có phản ứng gì đáp trả lại mẹ. Ngay lập tức, tôi bế cháu trên tay và trong vòng hơn một giờ đồng hồ, tôi không ngừng mỉm cười và nói chuyện với cháu, đồng thời nhẹ nhàng vuốt ve cháu. Tôi tin rằng tôi hoàn toàn có thể giao tiếp với E. Tôi nói chuyện với cháu bằng sự tận tâm. Tôi nói rằng cháu được yêu thương nhiều thế nào. Mọi thứ đều được quy về một mối là tình yêu. Tôi đã dành thời gian để thực hành tất cả những gì mình biết. Trong khoảnh khắc, tôi cảm nhận rất rõ một nguồn sáng vô tận đang vây quanh tôi, tràn ngập trên người tôi, xuyên qua lòng bàn tay tôi và truyền vào người E. “Bác rất yêu cháu, E ạ. Bác rất hạnh phúc khi được gặp cháu. Cảm ơn vì cháu đã có mặt trên đời. Cha mẹ cháu rất hạnh phúc khi có cháu.”
Tôi nắm lấy bàn tay lạnh của E và nói với mẹ cháu:
“E hiểu mọi thứ mà người lớn suy nghĩ và nói ra. Cháu biết tất cả mọi việc đang xảy ra trên trái đất này, những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì sẽ đến trong tương lai. Nhưng bởi vì không ai nhận ra, nên cô bé không thể sử dụng khả năng này. Hãy tin rằng E có thể cảm nhận được mọi thứ xung quanh cô bé. E có những khả năng tuyệt vời, chỉ là cô bé chưa sử dụng chúng ngay bây giờ đấy thôi. Tất cả những gì bạn cần làm là mỉm cười và nói chuyện với bé. Hãy luôn mỉm cười với con mình. Nụ cưới có khả năng kỳ diệu giúp kích thích não phải. Tất cả những gì bạn cần làm là mỉm cười. Bất luận xảy ra việc gì, hãy cứ mỉm cười. Khi bạn mỉm cười, nguồn năng lượng tích cực sẽ tiêu trừ những điều tiêu cực.”
Trong suốt thời gian đó, bàn tay E đã ấm lên. Thi thoảng, tôi thậm chí còn có thể giao tiếp bằng ánh mắt với cháu. Sau khi chúng tôi đã trò chuyện với nhau khá lâu, tôi bắt tay cháu và nói lời tạm biệt. E cố gắng nở nụ cười. Trước giờ, phản ứng của E hoàn toàn vô cảm. Đây là lần đầu tiên cô bé mỉm cười trong vòng một năm rưỡi qua. Tôi thật sự tin rằng trái tim chúng tôi có thể giao tiếp được với nhau.
– Cô Sekiguchi Michiko, trường Odawara
Khi tình yêu được truyền đến thân não theo cách này, nó có thể đánh thức một trái tim đã ngủ quên. Nền tảng để vun đắp tình cảm ở trẻ là cách truyền tải tình yêu của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không thiết lập nền tảng quan trọng này. Nhiều người gặp rắc rối trong việc nuôi dạy con nhưng không hề biết đây chính là nguồn gốc của mọi vấn đề. Hãy thể hiện tình yêu thương đối với con bằng cách ôm con thật chặt, vuốt ve con và nói với con những lời yêu thương! Phương pháp ôm giúp trái tim con rộng mở, giúp cha mẹ và con cái xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Tôi khuyên những bậc phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái hãy áp dụng phương pháp này, kể cả những phụ huynh đang nuôi dạy con tốt cũng không nên bỏ qua.
Bên cạnh việc yêu thương con đúng cách, nghiêm khắc cũng sẽ vun đắp tâm hồn con! Tìm hiểu tại đây.
Chú tâm lắng nghe những điều con nói
Một phương pháp khác giúp bạn thể hiện tình yêu với con đó là chú tâm lắng nghe con. Khi các bậc phụ huynh nói chuyện với con, nhiều người không chú ý lắng nghe những gì con nói. Trong trường hợp cha mẹ liên tục giành quyền nói, không tạo điều kiện cho trẻ nói, trẻ sẽ cảm thấy mình không được yêu thương đầy đủ. Ngược lại, khi bạn quan tâm lắng nghe những gì con nói, bạn có thể hiểu được cảm xúc của con và con sẽ thấy mình được quan tâm, được nhìn nhận và được yêu thương.
Một số thống kê cho thấy 70% những gì các bà mẹ nói với con mỗi ngày là những lời la mắng, 30% còn lại là những lời giao tiếp thông thường và những lời khen ngợi. Trong số này cũng có những bà mẹ chẳng hề khen con lấy một lời. Nếu một đứa trẻ được nuôi dạy bằng cách la mắng, thì cha mẹ sẽ không có cơ hội để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của con mình. Khi bị la mắng, trái tim con sẽ đóng chặt lại. Ngược lại, khi người mẹ thôi la mắng, và bắt đầu nhìn nhận con, khen ngợi con, trái tim đứa trẻ sẽ trở nên rộng mở và chịu trò chuyện với mẹ. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải hết sức quan tâm lắng nghe cảm xúc của con mình.
Cha mẹ có thể vận dụng phương pháp tiếng vọng để nắm bắt suy nghĩ của con. Thông thường, các bà mẹ hay nói những câu như “Hãy làm việc này đi”, thế là cuộc trò chuyện mang đầy tính mệnh lệnh. Vậy thì hãy ngưng dùng những lời lẽ ra lệnh và thử dùng phương pháp tiếng vọng xem sao! Phương pháp tiếng vọng được mô tả như sau:
Khi con nói điều gì đó với bạn, bạn hãy kiềm chế bản thân, hãy đặt mình vào vị trí của con và cố gắng hiểu cảm xúc của con. Sau đây là một ví dụ về cách mà bạn có thể trò chuyện với con:
– Mẹ ơi, anh hai xấu tính lắm.
– Thật sao? Anh xấu tính với con à? Anh đã làm gì vậy?
– Anh ấy đánh con.
– Ồ không, anh đánh con à? Tại sao anh đánh con?
…
Bằng cách này, bạn sẽ trả lời con bằng cách lặp lại những điều con nói và đặt thêm những câu hỏi gợi mở. Đây là phương pháp đặc biệt hiệu quả giúp bố mẹ có thể giao tiếp và hiểu được con mình. Khi đáp lại lời con theo cách này, bạn có thể trò chuyện thân mật với con. Khi bạn nhìn nhận cảm xúc của con, trái tim con sẽ rộng mở và con sẽ giải bày với bạn thêm nhiều điều khác nữa. Cách trò chuyện này còn giúp con hình thành thói quen sắp xếp suy nghĩ và diễn đạt một cách rõ ràng.
Trích dẫn từ sách “Ba chìa khóa vàng nuôi dạy con theo phương pháp SHICHIDA”