Tam cá nguyệt thứ hai là khoảng thời gian thoải mái nhất với các mẹ. Lúc này, bé cưng đã khá ổn định và bạn không phải chú ý qúa nhiều như trong thời gian đầu nữa. Tuy nhiên, vẫn có những điều mẹ không thể bỏ qua đâu đấy!
Bài thể dục nhẹ nhàng
Những bài thể dục chuẩn bị cho quá trình sinh nở khá quan trọng và bạn không nên bỏ qua chúng, nhất là trong giai đoạn này. Phụ nữ mang thai được khuyến khích nên tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội và yoga. Đặc biệt, yoga sẽ giúp mẹ bầu giảm căng thẳng và các chứng đau cơ. Tham gia một lớp yoga dành cho thai phụ không chỉ giúp bạn tăng cuờng sưc khỏe mà còn là nơi giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các mẹ.

Kiểm tra định kỳ
Để đảm bảo an toàn cho bạn và bé cưng trong suốt thai kỳ, bạn không thể bỏ qua một buổi kiểm tra nào đâu nhé! Lịch trình kiểm tra trong giai đoạn này gồm có:
Kiểm tra cân nặng, huyết áp, sự phát triển chiều cao, cân nặng của thai nhi theo từng tháng.
Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra tiền sản giật và viêm bàng quang (nếu có)
Từ tuần thứ 18- 20, siêu âm đầu dò âm đạo để kiểm tra những bất thường trong tử cung.
Từ tuần 24-28 của thai kỳ, bác sĩ sẽ cho mẹ làm xét nghiệm máu để kiểm tra tiểu đường thai kỳ.

Tham khảo: Lịch khám thai ở tam cá nguyệt thứ hai
Lưu ý: Cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ
Mua đồ dùng
Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, bụng bạn đã to hơn trước rất nhiều và bạn không thể tận dụng được những chiếc áo rộng để che bụng như trước nữa. Bạn nên mua cho mình thêm một vài bộ đồ bầu mới. Tuy nhiên, cũng không nên mua quá nhiều. Vì sang tam cá nguyệt thứ ba, bụng bạn sẽ to hơn nữa và có thể chúng sẽ không còn phù hợp.
Chăm sóc da
Tử cung lớn hơn đồng nghĩa với việc bụng bạn sẽ rạn nứt nhiều hơn. Vì vậy mẹ không được bỏ qua việc chăm sóc da mỗi ngày đâu nhé! Thực tế, có khoảng 20% các mẹ bầu không gặp vấn đề về rạn da. Tuy nhiên, cẩn thận vẫn hơn. Bạn nên chăm sóc trước khi da bắt đầu hình thành vết rạn. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ, uống nhiều nước và sử dụng các sản phẩm tăng độ ẩm cho da.
Lên kế hoạch tài chính
Khi gia đình có thêm một thành viên mới, bạn sẽ phải chi tiêu thêm rất nhiều. Để tránh tiêu pha “quá tay”, bạn nên có một kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chi tiết trước khi sinh. Bạn cần liệt kê những chi phí trong gia đình, chi phí mua đồ đặc, phí sinh con… Nếu được, bạn nên tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước.

Du lịch
Nếu bạn muốn tận hưởng quãng thời gian của hai vợ chồng trước khi chào đón thành viên mới, đây là lúc thích hợp nhất. Lúc này, bạn không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề sảy thai và cũng không quá nặng nề. Bạn có thể cùng anh xã thực hiện một chuyến du lịch ngắn ngày. Tuy nhiên, không nên đi quá xa nhé! Và bạn cũng nên chuẩn bị cho mình đầy đủ đồ dùng cũng như thực phẩm cần thiết để tránh không phù hợp với nơi bạn đến.
Chuẩn bị đồ dùng cho bé
Mặc dù còn khá sớm nhưng bạn cũng nên chuẩn bị trước một vài thứ cho bé cưng của mình. Những thứ mắc tiền như nôi, xe đẩy, giường… bạn nên chuẩn bị càng sớm càng tốt. Gần đến ngày sinh, bạn sẽ có thêm nhiều thứ phải quan tâm và mua sắm nữa.
Kiểm tra răng định kỳ
Theo nhiều nghiên cứu, các bệnh về răng miệng có thể làm tăng khả năng sảy thai và sinh non. Vì vậy, bạn nên đi khám răng định kỳ để có ngăn ngừa những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Chọn tư thế ngủ
Từ tuần thứ 21, mẹ bầu nên đặc biệt chú ý tư thế ngủ của mình để giữ an toàn cho bé cưng. Các bác sĩ khuyên bạn không nên nằm ngửa vì như vậy sẽ làm tăng áp lực lên thai nhi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Nuôi dưỡng cơ thể
Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, bạn nên cung cấp thêm cho cơ thể khoảng 300 calo mỗi ngày. Một chế độ ăn khoa học với đầy đủ dưỡng chất và rau xanh là tuyệt vời nhất. Cũng đừng quên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể nữa nhé mẹ.
Xem ngay: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu