Ngôn ngữ trong Montessori Children’s House 3-6
“Ngôn ngữ là điểm trọng tâm khác biệt giữa loài người và tất cả các giống loài khác. Ngôn ngữ nằm ở gốc rễ của sự biến đổi của môi trường mà chúng ta gọi là nền văn minh…Ngôn ngữ là dụng cụ của tập hợp tư duy … và phát triển với tư duy của loài người … Vì vậy, ngôn ngữ là sự biểu hiện thực sự của một loại trí thông minh siêu phàm.”
(The Absorbent Mind, MM, pg. 98-99)
Một số hiện trạng hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ em tuổi mẫu giáo 3 – 6 tuổi
Ngôn ngữ thứ 2
(Khi nói về Ngôn ngữ thứ 2, chúng tôi ám chỉ tới Ngôn ngữ được học theo phương pháp không giống với việc học (một cách tự nhiên) NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ.
Chúng ta thường lấy những ước mơ, khát vọng của mình truyền sang con cái một cách có ý thức hoặc vô thức. Cùng với việc toàn cầu hóa xảy ra mạnh mẽ trong thời đại của chúng ta, khả năng sử dụng thêm một ngôn ngữ chung của thế giới hay một ngôn ngữ bất kỳ (có lợi cho mục đích của từng cá nhân) là vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta mở ra cánh cửa giao lưu với thế giới, tạo thêm cơ hội cho chúng ta được tiếp cận với những kiến thức và nền giáo dục tốt hơn, tạo thêm cho chúng ta nhiều cơ hội việc làm với các công ty đa quốc gia, tạo thêm cho chúng ta cơ hội tăng thu nhập…Nắm bắt thêm một ngôn ngữ khác luôn là một lợi thế (có thể nhỏ, có thể lớn) trong bất kỳ thời đại nào.
Hẳn phần lớn chúng ta đều đã trải nghiệm việc học Ngôn ngữ thứ 2 là vô cùng khó khăn và gian nan. Chúng ta có điều ước là làm sao để con cái mình không phải gặp khó khăn như vậy, rằng Ngôn ngữ thứ 2 của nó sẽ phải tốt hơn của mình… Rất nhiều phụ huynh đã tìm tới các phương pháp giáo dục tiên tiến cũng vì lí do này, họ bắt đầu dạy ngôn ngữ thứ 2 cho con bằng rất nhiều phương pháp từ lúc bé mới sinh ra đời (có khi từ trong bụng mẹ) với mong muốn rằng con mình sẽ nói ngôn ngữ thứ 2 như NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ. Thế nhưng, liệu rằng những cố gắng này của chúng ta có thể giúp trẻ nói ngôn ngữ thứ 2 như NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ không; hay có khi nào chính những cố gắng này thậm chí còn đang ảnh hưởng đến việc phát triển NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ của trẻ? Phải chăng tầm quan trọng của việc phát triển NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ vẫn chưa được ý thức một cách đầy đủ?
Bên cạnh đó, việc đưa Ngôn ngữ thứ 2 vào chương trình học (theo nhiều cách khác nhau) ở các trường mầm non là hết sức phổ biến trong khi sự hỗ trợ phát triển NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ vẫn chưa thật sự đầy đủ. Khi đó, việc đưa Ngôn ngữ thứ 2 vào chương trình học một cách gượng ép và thiếu tự nhiên như vậy chính là vật cản cho quá trình phát triển NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ của trẻ trong giai đoạn phát triển này (do thời gian dành cho việc hỗ trợ phát triển Ngôn ngữ mẹ đẻ ít đi).
Hỗ trợ phát triển NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ trong hệ thống giáo dục truyền thống
Khi nói tới việc hỗ trợ trẻ phát triển Ngôn ngữ, chúng ta nói tới sự hoàn hảo ở cả 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Viết, Đọc. Trong môi trường NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ, trẻ em đã có khả năng Nghe (dĩ nhiên là nói trong trường hợp hiểu) ngôn ngữ từ sớm, biết Nói thường ở lúc 2 tuổi (có thể sớm hơn hoặc muộn hơn một chút). Tuy nhiên phần lớn các hệ thống giáo dục truyền thống trì hoãn việc Đọc & Viết tới tận lớp 1 – 6 tuổi. Việc giảng dạy ngôn ngữ trong các trường truyền thống bắt đầu bằng việc giới thiệu các ký tự chữ cái mà sau cùng là dẫn trẻ đến việc đọc và viết. Việc này được thực hiện như thể ngôn ngữ không có liên quan gì đến ngôn ngữ nói, không quan tâm đến những gì trẻ đã tiếp thu được trong lĩnh vực Ngôn ngữ trước đó. Ngoài ra, phần lớn chúng ta có thể đã trải nghiệm rằng, hoặc đã, đang và sẽ chứng kiến sự khó khăn của chúng ta hoặc của con em chúng ta trong việc học Viết và đặc biệt là học Đọc theo phương pháp giáo dục truyền thống. Kỹ năng Viết ở đây không chỉ là viết cái người khác đọc cho mình chép lại. Kỹ năng Đọc ở đây không chỉ là đọc và hiểu được ý nghĩa của câu, mà còn phải lý giải ý nghĩa của câu dựa trên ngữ cảnh mà câu được sử dụng- Bà Maria gọi tên là “Đọc toàn thể”. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều trẻ em trong hệ thống giáo dục truyền thống có thể đọc lưu loát nhưng lại không hiểu, càng không thể nói tới việc lý giải ý nghĩa của câu dựa trên ngữ cảnh.
Tầm quan trọng của việc hỗ trợ phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ cho trẻ em
Đầu tiên cần phải nhận thức rằng khả năng sử dụng NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ của mỗi người chúng ta – những người lớn là không tương đồng và ở các trình độ khác nhau.
Nắm bắt nhiều ngôn ngữ nhưng không cái nào giỏi không bằng nắm bắt giỏi một ngôn ngữ!
Chúng ta không có đủ điều kiện cần thiết để nắm bắt một Ngôn ngữ thứ 2 tốt như chính NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ của mình mặc dù điều này không có nghĩa là chúng ta không thể có hơn 1 NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ. Việc hỗ trợ phát triển nhiều NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ cho trẻ em cần nhiều điều kiện đặc biệt mà bài viết này không tập trung hướng tới. Tuy nhiên, qua lý thuyết và cách thức hỗ trợ phát triển ngôn ngữ trong phương pháp Montessori, chúng ta hoàn toàn hình dung được việc làm sao để hỗ trợ trẻ em phát triển khả năng tối đa của 1 Ngôn ngữ (mẹ đẻ) cũng như các điều kiện cần phải có. Suy cho cùng thì hỗ trợ trẻ em phát triển nhiều hơn 1 NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ thực sự là không cần thiết. Chúng ta chỉ nên hỗ trợ trẻ phát triển 1 NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ thật tốt và rất nhiều ngôn ngữ thứ 2 tại thời điểm thích hợp theo nhu cầu của chính trẻ em và thời đại.
Một người có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ kém thì cho dù có thuộc (nghe, nói, viết, đọc) toàn bộ từ vựng & ngữ pháp của ngôn ngữ thứ 2, khả năng sử dụng thứ ngôn ngữ này cũng không thể tốt được.
Nhiều người có suy nghĩ rằng, trẻ em trong giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ thì nên để cho em học Ngôn ngữ thứ 2 vì NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ đã được học ở nhà. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người đã chứng kiến những trẻ em Việt kiều tại nước ngoài, mặc dù sinh ra và lớn lên trong những gia đình thuần Việt, thậm chí ở ngay trong cộng đồng người Việt hải ngoại, với sự trợ giúp phát triển ngôn ngữ Việt tối đa trong gia đình, khả năng tiếng Việt của các em vẫn có những hạn chế rõ ràng so với những đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam. Việc đưa Ngôn ngữ thứ 2 ép trẻ học (mình dùng từ ép vì nó thiếu tự nhiên) trong giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ chỉ để giúp việc học ngôn ngữ thứ 2 sau này dễ dàng hơn nhưng không phải lựa chọn của trẻ lại có thể hi sinh sự phát triển tốt nhất của NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ có thể hỗ trợ trong giai đoạn này (do dành ít thời gian hơn cho việc phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ) cần phải được suy nghĩ thật thấu đáo.
Hãy thử tưởng tượng bạn – một người có kỹ năng ngôn ngữ đã phát triển ở mức độ rất cao, được đặt vào trong môi trường toàn người nói tiếng Ả Rập. Hãy nghĩ vể trẻ em, khi nói tiếng mẹ đẻ còn ngọng, nghe còn từ hiểu từ không được đặt ngay vào môi trường 100% nói tiếng ngoại ngữ!
Nước Mỹ là một nước đa sắc tộc, đa văn hóa. Hoàn toàn có thể tìm được rất nhiều giáo viên Montessori nói tiếng Nhật, Trung, Ý, Pháp, Đức… bản ngữ; tuy nhiên trong hơn 4000 trường Montessori tại Mỹ, chỉ có vài trường song ngữ (được thể hiện trong tên trường) và tất cả các trường này đều không được công nhận bởi American Montessori Society (AMS) – 1 trong 2 tổ chức thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Montessori lớn nhất trên thế giới.
Phần lớn chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng trong Ngôi nhà của trẻ Montessori, trẻ làm chủ được việc Viết ở khoảng 4 tuổi rưỡi, việc Đọc ở khoảng 5 tuổi. Chúng ta vẫn còn nhớ hoặc đã, đang và sẽ chứng kiến mình hoặc con em mình chật vật, đau đớn thế nào với việc luyện tập Viết chữ và Đọc toàn thể ở bậc Tiểu học truyền thống.
Tới đây sẽ có nhiều người suy nghĩ rằng, đằng nào thì con tôi cũng sẽ được học đọc và học viết ở tiểu học, vậy thì cần gì phải đọc và viết sớm, trước mắt cứ học thêm những thứ khác đã. Trong quá trình phát triển tự nhiên, từ lúc sinh ra và lớn lên, càng ngày con người càng tích lũy thêm nhận thức, trí tuệ để làm nền móng cho sự phát triển ở các mức độ cao hơn. Các kỹ năng nếu được trợ giúp đúng cách sẽ tới tự nhiên để phục vụ cho quá trình tích lũy trí tuệ này, do đó việc trì hoãn sự phát triển của bất kỳ kỹ năng theo một cách thiếu tự nhiên nào đều trì hoãn sự phát triển trí tuệ của con người đó.
Sự phát triển của con người trong suốt cuộc đời là sự tích lũy những nhận thức ngày càng phát triển ở các mức độ cao hơn – cả về mặt vật chất lẫn phi vật chất. Với quan điểm không thể sai về sự phát triển này, bà Maria Montessori cho rằng giáo dục là một sự hỗ trợ cho con người trong quá trình phát triển. Sự trợ giúp này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta đã đề cập đến một vài hình thức dẫn đến sự phát triển tinh thần và đồng thời giúp trẻ phát triển được ý thức một cách trực tiếp hay gián tiếp. Mọi hình thức trợ giúp tại Ngôi nhà của Trẻ (HOC) đều trực tiếp nhắm đến nỗ lực nhằm làm phong phú thêm nhận thức của trẻ.
Các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) giúp trẻ phát triển nhận thức một cách gián tiếp về bản thân, môi trường và xã hội của trẻ. Các hoạt động luyện tập các Cảm giác giúp trẻ phát triển nhận thức một cách trực tiếp về môi trường của trẻ, ở góc độ tự nhiên hoặc siêu nhiên. Có một lĩnh vực khác mà trẻ cần nhận biết và phát triển nhận thức. Và hẳn nhiên trẻ cần được trợ giúp ở lĩnh vực này. Trẻ không những cần mà còn có quyền yêu cầu sự trợ giúp này. Chúng ta đang đề cập đến lĩnh vực NGÔN NGỮ. Lĩnh vực này mang tính trừu tượng và được phát triển hoàn toàn bởi con người, nhằm mục đích để diễn đạt, giao tiếp hay thậm chí để tư duy.
Một thứ tương tự như NGÔN NGỮ trong văn hoá loài người đó là TOÁN HỌC – cũng là sản phẩm sáng tạo của trí thông minh con người. Cả ngôn ngữ và toán học đều là một phần trong môi trường của trẻ ngay từ khi trẻ mới chào đời. Tầm quan trọng của việc giúp trẻ nắm bắt Số học sẽ được May Sóc giới thiệu tới các bạn trong tương lai.
Ngôn ngữ là một lĩnh vực thuộc văn hoá loài người – sản phẩm hoàn toàn được sáng tạo bởi tâm trí con người. Con người là một cá thể mang tính xã hội và có khuynh hướng giao tiếp ý tưởng với những người khác cũng như tiếp nhận ý tưởng từ người khác.
Ngôn ngữ không chỉ là một công cụ giao tiếp, mà còn là một phương tiện phục vụ cho việc làm phong phú thêm tri thức và văn hóa của loài người.
Trẻ cần nhận thức được về ngôn ngữ của mình vì ngôn ngữ là một phần thiết yếu trong môi trường sống của trẻ. Ngôn ngữ cũng sống động như những yếu tố khác được sử dụng xung quanh trẻ. Trẻ bắt đầu hấp thụ yếu tố văn hoá này một cách tổng thể và hoàn hảo như khi chúng được nói ra trong môi trường. Tuy nhiên điều này được thực hiện một cách vô thức.
Để trở nên có ý thức với bất cứ sự chinh phục nào của mình, trẻ cần đến sự trợ giúp mang tính giáo dục được đưa ra một cách có ý thức và thận trọng. Thiếu sự trợ giúp này thì sự chinh phục không thể thực hiện được ở mức tốt đẹp như mong muốn của trẻ, như khả năng trẻ có thể làm được và như trẻ được trao tặng năng lực để làm được.
Quá trình phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ là một quá trình tự nhiên, không gò bó và cần sự trợ giúp của người lớn. Không nên kìm hãm, đưa ra vật cản hay trì hoãn quá trình này.
Nói một cách rất thẳng thắn, việc giảng dạy ngôn ngữ trong các trường học thông thường bắt đầu bằng việc giới thiệu các ký tự chữ cái mà sau cùng là dẫn trẻ đến việc đọc và viết. Việc này được thực hiện như thể ngôn ngữ không có liên quan gì đến ngôn ngữ nói, không quan tâm đến những gì trẻ đã tiếp thu được trong lĩnh vực đó.
Theo Montessori, chúng ta đều biết rằng bất kể sự chinh phục mới nào cũng chỉ có thể đạt được dựa trên cơ sở của những điều đã đạt được ở quá khứ. Một sự trợ giúp đúng đắn chỉ có thể được cung cấp sau khi người trợ giúp đã nhận biết rõ về những khả năng mà trẻ đã thành thạo trước đó. Những khả năng đó phải được củng cố và sau đó trải lối cho sự phát triển xa hơn trong lĩnh vực liên quan. Sự trợ giúp phải được thực hiện theo cách hay dưới hình thức phù hợp nhất trong khi cân nhắc đến mục đích mà nó phục vụ. Chúng ta nên cung cấp cho trẻ sự trợ giúp được xây dựng dựa trên những thành tựu trẻ đã đạt được ở quá khứ, tìm ra sự thoả mãn hoàn toàn cho nhu cầu hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho trẻ đối mặt với những thử thách trong tương lai.
Montessori đã khám phá rằng một đứa trẻ trải qua giai đoạn nhạy cảm về phát triển ngôn ngữ từ lúc sinh cho tới khoảng 6 tuổi.
Trẻ đã đạt được những gì trong lĩnh vực ngôn ngữ khi trẻ khoảng hai tuổi rưỡi?
Trẻ đã đạt được sự chinh phục kỳ diệu để nghe và nói được thứ ngôn ngữ của trẻ với sự hoàn hảo lạ thường (hoàn hảo như những con người sống trong môi trường xung quanh của trẻ nói). Trẻ biến nó thành một phần cơ thể xác thịt của mình và trẻ đồng hóa ngôn ngữ với chính mình. Sự chinh phục này ở lại với trẻ suốt cả đời. Nhưng trẻ không nhận thức được về thứ tài sản quý giá mà trẻ đã tích luỹ được này.
Trẻ có những nhiệm vụ phát triển nào?
Hiện tại khi trẻ khoảng hai tuổi rưỡi, trẻ cần sử dụng, áp dụng và hưởng thụ thành quả mà trẻ đã đạt được. Tại sao dường như trẻ làm như vậy? Bản năng tự nhiên thôi thúc trẻ làm điều này bởi vì đó là cách duy nhất để củng cố, qua đó thành quả tuyệt vời này có thể tồn tại lâu dài. Trẻ cần trau dồi và phát triển nhiều hơn nữa.
Trẻ cũng cần trở nên có ý thức về tài sản ngôn ngữ nói này của mình. Giống như việc thực hiện khéo léo quyền sở hữu những tài sản mà trẻ đã có. Trẻ cần hoàn thiện ngôn ngữ của mình hơn nữa. Trẻ cần được hướng dẫn và được trao cơ hội để làm điều đó. Việc này được thực hiện trên cơ sở những gì trẻ đã đạt được.
Điều chính yếu, trẻ cần trở nên có ý thức về ngôn ngữ nói của mình. Ngôn ngữ được hình thành từ nhiều câu. Nói một cách chung chung, câu là các nhóm từ tạo thành các âm thanh. Khi những nhóm âm thanh này được gán cho một nghĩa nhất định thì nó trở thành một phần của một ngôn ngữ cụ thể nào đó. Ngôn ngữ cũng nên được hiểu từ khía cạnh chức năng của từng từ trong các câu.
Cuối cùng, trẻ cần được giúp đỡ để điều chỉnh lại ngôn ngữ nói để nó duy trì lâu dài theo thời gian và không gian. Do đó trẻ sẽ phải đạt được năng lực biểu lộ bản thân bằng chữ viết. Trẻ cũng sẽ cần hiểu khi người khác bộc lộ bản thân họ qua chữ viết. Điều này trở thành nền tảng cho một phạm vi giao tiếp rộng và cả tính chính xác trong giao tiếp. Đó là cái mà chúng ta thường đề cập đến như là việc viết và đọc.
Sự bùng nổ sang việc viết sự bùng nổ sang việc viết
Bà Montessori nói rằng: “Viết làm thoả mãn trẻ trong việc bộc lộ những suy nghĩ của mình để giữ gìn kho báu trẻ thu được từ những chinh phục của trẻ; để trẻ chuẩn bị cho chính bản thân mình tài liệu cho việc suy ngẫm. Nó không được thực hiện để thoả mãn bất kỳ mục đích nào khác. Viết là một chỉ số thể hiện một mức độ phát triển nội tâm đã đạt được nhất định. Nó cũng là một sự biểu lộ của việc tuân theo một sự thôi thúc thiết yếu. Viết đem lại cho trẻ sự thoả mãn trong việc thực hiện một hoạt động cao cấp hơn. Hãy để cho trẻ được trải nghiệm nó.’
Con người đã tìm thấy nhu cầu giao tiếp bằng lời và bằng mắt. Con người là giống loài có lịch sử và một cách tự nhiên con người cần ghi chép lại những gì đang xảy ra và diễn ra có thể trợ giúp cho sự tiến hoá xã hội. Con người cảm nhận được nhu cầu cần chỉnh sửa ngôn ngữ nói của mình. Ý tưởng và tư tưởng về tầm quan trọng tôn giáo được chỉnh sửa cho các thế hệ sau. Những doanh nhân ghi chép lại sổ sách của họ. Các hình thức văn học và thơ ca cần được thể hiện. Để nghiền ngẫm lại, các nhà tư tưởng cần thể hiện ra ngoài và “mặt đối mặt” với một ý tưởng.
Những người tiền sử đã sử dụng chữ tượng hình. Ưu điểm của việc mô tả bằng hình ảnh là bất kỳ ai và tất cả mọi người đều có thể hiểu nó. Hình thức này đã trải qua sự thay đổi theo hai cách. Hình ảnh trở nên có sự sắp xếp hợp lý hơn, ngắn gọn hơn và đơn giản hoá. Các ý tưởng trừu tượng cần được thể hiện và biểu tượng hoá trở nên mở rộng và phát triển theo nhiều dạng tuỳ vào gia tộc hay xã hội sử dụng chúng. Sự thay đổi đến sau đó là hình ảnh được sử dụng để trình bày các ý tưởng và đồng thời trình bày các âm tiết hay sự kết hợp âm thanh. Phiên âm bằng hình ảnh (đặc biệt ở Trung Quốc và Nhật Bản) không có sẵn ở người bình thường bởi vì từng âm tiết một phải được học một cách riêng biệt và nó cần nhiều thời gian để học.
Khoảng hai nghìn năm trước, Người Phoenician đã khám phá ra rằng tiếng nói của loài người chỉ bao gồm một số ít các âm thanh mà các cơ quan phát âm có thể tạo thành. Phát hiện này dẫn đến việc khám phá ra bảng chữ cái. Nhiều nhà xã hội học tin rằng việc phát minh ra chữ cái là một cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người có thể được so sánh với sự phát minh ra bánh xe (biểu tượng của máy móc ở dạng thô sơ đầu tiên).
Viết là một phần trong xã hội và văn hoá của chúng ta. Định kiến và sự thiếu hụt niềm tin vào các quy luật tự nhiên điều khiển sự phát triển khiến người lớn thúc ép trẻ vào ba chữ ‘R’ (Reading – đọc, Writing – viết, Reckoning – học đếm) và điều đó xảy ra sớm trong cuộc sống của trẻ. Có lẽ từ chính kinh nghiệm trước đó của mình, người lớn hầu như đoán trước rằng trẻ không thích viết.
Vào một thời điểm nhất định trong cuộc sống, con người sẽ cảm nhận được nhu cầu nhân học cho việc tự thể hiện dưới dạng hình ảnh. Một nhu cầu như thế xuất hiện trong trẻ là một trong những khám phá của Bác sĩ Maria Montessori. Khi trẻ khoảng bốn tuổi, nhu cầu chỉnh sửa ngôn ngữ nói sẽ xuất hiện. Các hoạt động trong Ngôi nhà của Trẻ (HOC) đem đến sự chuẩn bị trực tiếp và gián tiếp cho đến một điểm của sự hợp nhất và nguyên tố kích hoạt có thể là một ai đó đang viết. Trước đó trẻ có thể đã nhìn thấy nhiều người viết mà không nhận thức được tính chất của hoạt động này. Bây giờ thì đã khác. TRẺ BÙNG NỔ SANG VIỆC VIẾT.
Các nhà tâm lý học nói rằng việc dạy một đứa trẻ học viết trước năm sáu tuổi có ảnh hưởng bất lợi lên sự phát triển của trẻ. Mặt khác lại có lập luận cho rằng có quá nhiều thứ để học và quá ít thời gian và do đó chúng ta nên bắt đầu sớm. Vì thế giáo dục truyền thống cố gắng dạy trẻ bằng các dụng cụ giáo khoa được làm cho trở nên hấp dẫn.
Trong các trường học truyền thống, viết được giới thiệu cho trẻ như thể nó không có liên quan gì đến âm thanh ngôn ngữ nói của trẻ. Nó không cân nhắc đến những gì trẻ đã học được trong ngôn ngữ trước đây. Hơn nữa cách mà nó được dạy dường như không giúp trẻ nhận ra được mục đích của việc viết.
Dường như việc dạy trẻ nói trong suốt giai đoạn thơ ấu là không cần thiết. Trẻ dường như sở hữu một năng lực phi thường để thấm hút ngôn ngữ. Cũng tương tự như vậy, chúng ta không phải dạy trẻ viết theo cách mà nó được dạy trong các trường truyền thống. Đối với trẻ trong Ngôi nhà của Trẻ (HOC), điều này đến như một thành tích phát triển theo ý nghĩa thực sự của sự tự thân phát triển. Nó là một sự bộc lộ ra bên ngoài của một thành tựu phát triển bên trong. Nó đến một cách tự phát và xuất hiện một cách nhanh chóng như đến trong sự hợp nhất của một loạt sự chuẩn bị dài, ẩn, hội tụ, thúc đẩy gián tiếp khác nhau. Sự tương tác của những sự chuẩn bị này tạo nên sự bùng nổ. Người lớn cần phải trao cơ hội cho trẻ chuẩn bị bản thân mình một cách trực tiếp và gián tiếp cho sự thể hiện tự phát này.
Nhiều năm dài thử nghiệm trong Ngôi nhà của Trẻ Montessori ở rất nhiều nơi trên thế giới đã khiến Bác sĩ Maria Montessori khám phá ra rằng bất kỳ sự chinh phục mang tính phát triển nào đều có đằng sau nó vài sự chuẩn bị mang tính chất đa kích thích, hội tụ những gián tiếp. Khi mỗi khuynh hướng của sự chuẩn bị gián tiếp đạt được sức mạnh và hoà thành một, hợp nhất với những cái khác thì sự bùng nổ xuất hiện.
Trong Ngôi nhà của Trẻ Montessori, việc Viết đến khá sớm (khoảng bốn tuổi rưỡi) mặc dù trẻ chưa được dạy một cách chính thức. Nó đến như là một sự phát triển tự phát giống việc trẻ bước đi và nói chuyện. Nó đến như là một chỉ số của một sự chinh phục của con người. Nó đến như là một sự bùng nổ và một sự bất ngờ cho tất cả mọi người bao gồm chính bản thân trẻ.
Bác sĩ Maria Montessori là người đã chứng kiến sự bùng nổ trong Việc viết ở trong Ngôi nhà của Trẻ (HOC) đầu tiên. Bà đã bất ngờ bởi vì bà chưa từng làm gì để thúc đẩy việc này. Bà đã cố gắng để tìm ra điều gì đã góp phần trong sự chuẩn bị cho việc Viết này. Các Ngôi nhà của Trẻ Montessori đi theo những khám phá của Bà.
Sự bùng nổ sang việc đọc
Sự bùng nổ sang việc đọc cũng đến tương tự như việc viết. Sự bùng nổ này là biểu hiện bề ngoài của một sự phát triển bên trong. Do đó chúng chỉ có thể xảy ra khi trẻ nhận được các điều kiện cần thiết và điều quan trọng nhất là sự tự do để phát triển theo tốc độ và nhịp độ riêng của trẻ.
Sự bùng nổ sang việc đọc đến như một kết quả tự nhiên của nhiều dạng phát triển hội tụ khác nhau. Theo quan sát, thường thì nó xuất hiện khoảng sáu tháng sau sự bùng nổ của việc viết. Chúng ta phải chấp nhận sự thật này mặc dù sự chuẩn bị về mặt trí tuệ cho việc đọc và viết gần như giống nhau. Viết là sự tự thể hiện dưới hình thức đồ hoạ và có thể được ví như là nói; đọc có thể được so sánh với việc lắng nghe người khác và vì thế cần có sự trưởng thành về tinh thần nhiều hơn nữa. Nó bao gồm việc giải mã và lý giải những gì đã được thể hiện dưới hình thức đồ hoạ. Sự trưởng thành cần thiết về mặt tinh thần được phát triển trong sáu tháng.
Vậy tại sao chúng ta lại thấy việc đọc dễ dàng hơn và thường được giới thiệu sớm hơn việc viết trong các trường tiểu học truyền thống?
Viết đòi hỏi các yếu tố trí tuệ và vận động. Cơ sở để nhuần nhuyễn các mô thức vận động bị mất đi từ sớm và vì thế trẻ không hứng thú với những cuộc chinh phục vận động mới nữa. Sự trưởng thành về tinh thần và năng lực trí tuệ cho việc đọc vẫn đang trong quá trình phát triển đều đặn ở trẻ trong các trường tiểu học. Một cách tự nhiên trẻ cảm thấy việc đọc là dễ dàng hơn. Dạy trẻ học đọc trước khi trẻ đạt được sự trưởng thành tinh thần cần thiết là việc làm bạo hành đối với trẻ. Chúng ta không nên làm bất kỳ điều gì trực tiếp để làm trẻ đọc. Chúng ta hỗ trợ một cách gián tiếp bằng cách giới thiệu cho trẻ nhiều biến thể trong chính tả hơn nữa.
Hãy để trẻ được cảm thấy xúc động với những gì trẻ có thể đọc. Đọc là một hành động im lặng. Chúng ta không yêu cầu trẻ đọc thành tiếng khi trẻ vẫn đang củng cố khả năng đọc của mình. Yêu cầu trẻ đọc khi trẻ vẫn đang phát triển sự tự tin sẽ làm hại trẻ bằng cách giảm sự nhiệt tình của trẻ. Đọc thành tiếng là một nghệ thuật cần được phát triển (cần có thời gian và quá trình).
Chúng ta có thể chuẩn bị nhiều nguyên liệu khác nhau cho việc đọc, phân loại chúng tuỳ theo những khó khăn mà trẻ có thể đối mặt. Sự hỗ trợ này nhằm xây dựng lòng tự tin trong việc đọc của trẻ. Nếu và khi chúng ta thấy một trẻ đọc các âm thanh trong một từ liên tiếp một cách không tự nguyện thì chúng ta có thể khuyến khích trẻ đọc chúng nhanh hơn cho đến khi trẻ cảm thấy mình có thể phát âm được chúng. Ngay cả sự trợ giúp này cũng không cần phải thúc giục trẻ.
Chúng ta có thể mong đợi sự bùng nổ sang việc đọc xảy ra khi chúng ta thấy một trẻ đọc bất kỳ thứ gì trẻ gặp phải hay cố gắng đọc những chữ mà những trẻ khác đã tạo ra từ những Chữ Cái Rời.
Các hoạt động xoay quanh việc đọc tạo thành các công việc hấp dẫn về ngôn ngữ dẫn trẻ từ việc đọc các từ qua việc đọc các câu. Sự trợ giúp thông qua các hoạt động phân tích logic và phân tích ngữ pháp sẽ giúp trẻ có khả năng làm chủ hoàn toàn với các câu – cơ sở của một ngôn ngữ.
Đọc câu và hiểu được ý nghĩa của chúng là cần thiết nhưng chưa đủ. Trẻ phải được hỗ trợ để lý giải ý nghĩa của câu dựa trên ngữ cảnh mà câu được sử dụng. Trong khi nói, ngụ ý của câu được truyền đạt bằng cách nhấn mạnh vào các từ và ngữ điệu nói. Điều này không có trong hình thức ngôn ngữ viết.
Bác sĩ Maria Montessori gọi tên nó là ‘đọc toàn thể’ để phân biệt với ý tưởng chung chung của việc đọc thường chỉ giới hạn ở việc đọc từng từ một. Đọc toàn thể sẽ bao gồm cả việc quy giá trị âm thanh cho mỗi chữ cái trong từ và theo đó nhận biết được từ. Ý nghĩa của các từ nên được thấu hiểu. Hiểu được các từ có thể và sẽ dẫn đến việc hiểu được ý nghĩa của câu. Câu phải được thấu hiểu trong ngữ cảnh mà chúng được viết ra. Những cảm xúc hay tình cảm được diễn tả trong câu cũng phải được trải nghiệm. Đây là điều mà Montessori gọi là ‘đọc toàn thể’. Trẻ nên được trợ giúp để đạt được trình độ này trong việc đọc.
Kết luận
Sống tại Ngôi nhà của Trẻ (HOC) trong giai đoạn thơ ấu, trẻ nhận được sự trợ giúp về ngôn ngữ một cách khoa học và có phương pháp. Điều đó chắc chắn sẽ chứng tỏ là một nền tảng vững chắc để xây dựng siêu cấu trúc của sự trôi chảy tự nhiên, chính xác và lưu loát của ngôn ngữ ở trẻ.
Một sự thật đã được chấp nhận rằng trong suốt giai đoạn thời thơ ấu trẻ trải qua một trạng thái hoạt động phát triển liên tiếp, ở cường độ cao và mỗi khoảnh khắc đều là quý giá đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Từ quan điểm này về sự phát triển tâm lý của trẻ, Ngôi nhà của Trẻ (HOC) nên cung cấp sự trợ giúp đối với ngôn ngữ mà trẻ đã tự tạo cho mình. Chúng ta thường gọi nó là NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ. Khi đó, công việc và sự tiến bộ của trẻ sẽ dễ dàng hơn, nhanh hơn và vui vẻ hơn.
Trích từ cuốn Gateways to Montessori Practicals - A.M. Joosten & Meenakshi Sivaramakrishnan - Indian Montessori Center
Dịch bởi: Trung Tâm Thực Hành Montessori Việt Nam
Trình bày lại bởi: May Sóc Children’s House