Con người được yêu thương mới biết yêu thương.
Gia đình – môi trường tốt nhất của trẻ 0 – 2.5 tuổi – Montessori
Phần lớn chúng ta có quan niệm giáo dục ở các cấp học cao hơn là quan trọng hơn. PP Giáo dục Montessori đã khám phá và chỉ ra điều ngược lại, chính những năm đầu đời của mỗi con người là những năm quan trọng nhất đối với cuộc đời của con người đó, đặc biệt là 2 năm đầu tiên.
Mặc dù trong phương pháp Montessori có cung cấp môi trường Assistants to Infancy cho trẻ trong độ tuổi 0 – 2.5 tuổi. Tuy nhiên đây chỉ là môi trường tốt hơn so với môi trường nhà trẻ trong hệ thống giáo dục truyền thống. Bởi vì tới thời điểm hiện tại, chưa một xã hội nào có chính sách hỗ trợ người phụ nữ được nghỉ thai sản tới 2.5 năm để nuôi nấng con những năm đầu tiên này.
Montessori vẫn luôn nhấn mạnh rằng, môi trường tốt nhất để hỗ trợ trẻ phát triển trong độ tuổi này chính là môi trường gia đình. Trong suốt 2.5 năm đầu đời của trẻ, gia đình có thể thỏa mãn TẤT CẢ những nhu cầu của cuộc sống của trẻ một cách đầy đủ và nên làm như vậy. Không có môi trường nào khác có thể làm điều này một cách hoàn hảo nếu như gia đình không làm được.
Chính những năm đầu tiên, tinh thần của đứa trẻ, một con người, mới bắt đầu được kiến tạo.
Thời kỳ đầu của đời sống (năm đầu tiên – khi khả năng vận động còn rất ít) đã được cố định để lưu giữ các ấn tượng từ môi trường, và do đó là thời kì hoạt động tinh thần mạnh nhất; nó là hoạt động hấp thụ tất cả những gì đang có trong môi trường…Trước kia người ta đã nghĩ rằng trẻ nhỏ không có đời sống tinh thần, nhưng bây giờ chúng ta ý thức được rằng cái phần duy nhất hoạt động trong năm đầu đời là bộ não. Đặc tính chính yếu của đứa con của con người là trí khôn, khác với sinh vật khác chỉ cần đánh thức các bản năng cho hành vi của chúng. Trí thông minh của đứa trẻ phải tiếp thu hiện tại của sự sống đang tiến hóa có nguồn gốc hàng trăm ngàn năm trong nền văn minh của nó.
(Montessori, p.68, GDVMTGM)
Môi trường gia đình là môi trường duy nhất có và có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu của một loại dinh dưỡng vô cùng quan trọng của tinh thần đó là tình yêu vô điều kiện. Nguồn dinh dưỡng của tinh thần này được Montessori chỉ ra là mang tính sống còn đối với trẻ em. Tình yêu này chỉ có ở những người thân trong gia đình, đặc biệt là tình yêu của người mẹ mà chúng ta vẫn gọi tên bằng tình mẫu tử. Tình yêu vô điều kiện này chính là một trong những nền tảng cơ bản hình thành nên tính chất của một con người và được thấm hút hoàn toàn bởi đứa trẻ. Con người được yêu thương thì mới biết yêu thương.
Một bà mẹ sống đơn giản vẫn trợ giúp cho đứa con theo bản năng trong giai đoạn mẫn cảm, cung cấp cho con một môi trường nó cần bằng cách đem con theo mọi nơi cùng với bà, che chở con với tình mẫu tử của bà… Tình mẫu tử là một quyền năng, một trong các quyền năng của tự nhiên, và nó phải nhận được sự chú ý của các nhà khoa học, để các bà mẹ có thể hỗ trợ một cách có ý thức, khi họ không còn làm theo bản năng. Giáo dục phải trao cho các bà mẹ kiến thức này, rằng từ lúc sinh con ra, họ có thể cung cấp một sự bảo vệ có ý thức cho các nhu cầu tinh thần của trẻ con, thay vì đày ải chúng vào các nhà trẻ sạch tinh về mặt vệ sinh, để được chăm nom bởi các bảo mẫu đã có huấn luyện đầy đủ, họ chỉ thỏa mãn các nhu cầu về thể chất của trẻ một cách chiếu lệ. Sự thật là những đứa trẻ như thế còn có thể chết với cái có thể gọi là chết đói về tinh thần.
(Montessori, p.52-53-54, GDVMTGM)
(Montessori, p.77-78-79, GDVMTGM)
Vài nguyên tắc này có thể được đề ra cho giáo dục trong hai năm đầu tiên của cuộc đời trẻ thơ. Đứa trẻ phải được ở gần mẹ càng nhiều càng tốt ngay sau khi sinh ra…Ngoài sự chăm sóc vệ sinh và che chở, người mẹ và đứa con phải được xem là hai bộ phận của một thân hình, vẫn được gắn kết với nhau bởi một lực từ tính động vật… Một khi giai đoạn này đã qua, đứa bé tự thích ứng dễ dàng với thế giới mà nó bước vào, và bắt đầu du hành trên con đường tiến đến sự độc lập… Trẻ muốn thế giới – tất cả những gì quanh trẻ để tạo nên sự thích ứng của trẻ đối với thế giới đó. Tách biệt đứa trẻ vào một nhà giữ trẻ, một thứ nhà tù, chỉ ở với một bảo mẫu làm bầu bạn, và cho nó ngủ càng nhiều càng tốt, như một người tàn tật, là điều sai lầm. Bảo mẫu ít nói chuyện với nó, vì che miệng lại là vệ sinh, như thế thì làm sao đứa trẻ học được ngôn ngữ? Ngoài ra bảo mẫu thuộc về một môi trường xã hội khác với môi trường của đứa trẻ, cho nên trẻ không thể tiếp thu từ bảo mẫu cái ngôn ngữ mà nó sẽ cần đến…Hạnh phúc thay cho đứa trẻ nào được đi khắp nơi với mẹ nó, trên đường phố và chợ búa, trên xe điện hay xe buýt, lắng nghe và nhìn ngó, tích lũy các cảm tưởng với sự quan tâm mãnh liệt, và lúc nào cũng được an toàn trong sự chăm sóc của người bảo bọc tự nhiên của nó.
Môi trường gia đình cũng là nơi đứa trẻ thấm hút ngôn ngữ, văn hóa của giống người nơi mà nó được sinh ra. Môi trường gia đình, nơi các thành viên hàng ngày nói chuyện với một đứa trẻ chưa biết nói, nơi người mẹ luôn đủ tình yêu thương và sự kiên nhẫn để nói chuyện với con hàng giờ hàng ngày, nơi các giao tiếp ngôn ngữ xảy ra phong phú và đa dạng là môi trường tốt nhất để giúp trẻ thấm hút ngôn ngữ ở mức độ hoàn hảo mà được gọi là ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngôn ngữ đầu tiên (first language).
Ở cùng một thời kì của cuộc đời mỗi đứa trẻ, bỗng tuôn trào một con thác từ ngữ, tất cả các từ được phát ra một cách hoàn hảo. Trong vòng ba tháng, đứa trẻ sử dụng các đặc ngữ và các ngôn từ đặc trưng của tiếng nói một cách thoải mái, và tất cả các điều này xảy ra vào cuối năm thứ hai của một đứa trẻ bình thường thuộc bất kỳ giống dân nào…Hai năm rưỡi dường như là một lằn ranh của trí thông minh, khi con người được hình thành. Sau đó, sự phát triển không còn mang tính bùng nổ, nhưng đứa trẻ phong phú hóa bộ từ vựng của nó nếu nó được ở trong một môi trường có văn hóa, và, nhân rộng nó lên dù là ở trong những hoàn cảnh ít thuận lợi hơn.
(Montessori, p.85-86, GDVMTGM)
Montessori cũng nêu quan điểm không ủng hộ các trường học dành cho trẻ ở độ tuổi nhỏ.
Có một sự nhìn nhận rằng không nên bắt đầu giáo dục ở tuổi quá sớm, nếu chúng ta muốn con người là một công dân xứng đáng trong một nền dân chủ tự do. Làm sao chúng ta có thể mong đợi có Dân chủ hay Tự do khi ngay từ lúc khởi đầu của cuộc đời chúng ta đã khuôn đúc đứa trẻ khiến nó trải qua sự hà khắc, để tuân phục một kẻ độc tài? Làm sao chúng ta có thể mong đợi có Dân chủ khi chúng ta nuôi dưỡng những kẻ nô lệ? Tự do đích thực bắt đầu từ lúc khởi sự cuộc đời, không phải ở giai đoạn làm người lớn. Những con người này đã bị cắt giảm năng lực, bị biến thành thiển cận, mất sinh lực bởi sự mệt mỏi về tâm thần, với cơ thể đã trở nên méo mó, với WILL bị bẻ gãy bởi người lớn là những kẻ đã nói: “WILL của ngươi phải tan biến mất và WILL của ta phải thắng thế” – làm sao chúng ta lại có thể mong đợi rằng, khi cuộc sống học đường đã kết thúc, họ sẽ chấp nhận và sử dụng được các quyền tự do?
(Montessori, p. 115-116, GDVMTGM)
Khi biết rằng môi trường gia đình là môi trường tốt nhất để hỗ trợ trẻ phát triển trong giai đoạn 0 – 2.5 tuổi. Chúng ta sẽ hình dung được rằng xây dựng một môi trường nhà trường giống như môi trường gia đình cho trẻ ở độ tuổi này là điều không thể vì tính đặc thù của nó. Chúng ta nhận ra rằng giữ con trong môi trường gia đình trong giai đoạn này là vô giá đối với sự phát triển của con và bất cứ ai cũng có thể hoàn toàn làm được một cách dễ dàng.
Còn rất nhiều sự hỗ trợ vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ em từ 0 – 2.5 tuổi từ môi trường gia đình hoặc một môi trường gia đình có thể làm được mà các bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách rất đáng để đọc của Maria Montessori: Education for a New World – Giáo dục vì một Thế giới mới.
Xin chân thành cảm ơn dịch giả Nghiêm Phương Mai. May Sóc Children's House