Nên đọc sách nuôi dạy con từ khi nào?
Nếu có một lời khuyên nào từ kinh nghiệm của bản thân dành cho các bạn trẻ thì mình khuyên:
1. Trước khi kết hôn hay có ý định sinh con các bạn hãy đọc sách về nuôi dạy con trước. Đừng đợi đến khi có bầu mới đọc sách bầu bí, thai giáo. Đừng đợi đến khi sinh con rồi bạn mới đọc sách về nuôi dạy con. Vì lúc có con rồi bạn sẽ không còn đủ thời gian và tâm trí để đọc sách nữa đâu.
2. Khi đọc sách nhất thiết nên ghi chép lại những kiến thức đã đọc để biến những kiến thức đó thành kiến thức của chính mình.
1. Sách mang bầu, chăm sóc sức khoẻ:
– Lần đầu làm mẹ (Thái Hà Books) tác giả Masato Takeuchi, cung cấp mọi thông tin về chuyện bầu bí
– Để con được ốm, cung cấp những thông tin chăm sóc sức khoẻ cho con
2. Sách nuôi dạy con
– Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn
– Cùng con học nói, (đây là cuốn sách gối đầu giường trong 3 năm đầu đời của Bon, mình biết đến khi Bon được 4 tháng tuổi và đọc bản tiếng Nhật)
– Kỉ luật mềm của trái tim, Nguyễn Thị Thu (mình giới thiệu sách của mình kể cũng hơi ấy tí nhỉ, nhưng mình tin nó xứng đáng để bạn bỏ thời gian ra đọc, mình vẫn hay đọc đi đọc lại mỗi khi thấy mệt mỏi hay mất phương hướng trong nuôi dạy con đó)
– Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản tập 1,2,3, đây là bộ sách mà mình học hỏi được nhiều nhất những quy tắc ứng xử với con: thừa nhận cảm xúc, sự lập chỉ được xây dựng trên tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ.
– Mẹ Việt dạy con bước cùng hoàn cầu, (đây là cuốn sách của chị Hải Âu, một người mẹ mà mình rất yêu mến và học hỏi được rất nhiều)
– Con nghĩ đi mẹ không biết, đây là cuốn sách của chị Thu Hà, một người mẹ rất mạnh mẽ nhưng cũng rất đời thường, đọc sách mẹ nào cũng thấy phảng phất có hình bóng mình trong đó)
– Yêu thương mẹ kể, đây là cuốn sách chị Hồ Điệp viết với nhưng câu chuyện rất xúc động dành cho con trai. Một không khí gia đình ấm áp yêu thương, đó là cảm nhận của mình khi đọc sách này.
– Nuôi dạy con kiểu cá heo, một cuốn sách dành cho những cha mẹ nào thực sự muốn con được tự lập, tự chủ về cuộc đời mình nhưng vẫn đang loay hoay chưa biết nên như nào.
– Cha mẹ vô điều kiện, cuốn sách hơi dài và cũng khá cần sự kiên nhẫn nhưng rất cần đọc để hiểu rằng việc áp dụng thưởng phạt với con trẻ chỉ làm cho con trẻ bướng bỉnh và xã rời cha mẹ hơn. Cuốn sách này rất tương đồng với những quan điểm giáo dục mà mình đọc của các tác giả Nhật, và suy nghĩ của mình trong việc nuôi dạy con
– Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương, cuốn sách của bà mẹ người Do Thái nuôi dạy con thành tài sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều cha mẹ Việt, có dám buông tay, có dàm tàn nhẫn để con trưởng thành hay không.
– Mẹ bình thường dạy con ưu tú, đây là cuốn sách mình rất thích vì nó đưa ra những thông tin khoa học có giá trị để bố mẹ tham khảo được mình nên dạy con theo cách nào để giúp con có được những năng lực cần thiết sau này khi ra đời. Những câu chuyện về nuôi dạy EQ, năng lực cảm thụ nghệ thuật, giao tiếp…được đề cập rất thực tế trong sách.
– Dạy con làm việc nhà, đây là cuốn sách hướng dẫn tỉ mỉ cho bố mẹ cách dạy con làm việc nhà, một kĩ năng cần thiết nhất trong quá trình nuôi dưỡng kĩ năng mềm cho con
Dưới đây là những ấn phẩm tiếng Việt đã ra mắt để các bạn tham khảo tìm đọc:
















SÁCH MONTESSORI – RÈN KỸ NĂNG SỐNG VÀ KỸ NĂNG PHỐI HỢP
Nuôi dưỡng một đứa trẻ tự tin và sáng tạo
🖌Tác giả: Maja Pitamic
🖌Dịch giả: Nguyễn Bích Lan
Thực hành phương pháp Montessori thu hút không chỉ những người làm giáo dục mà cả các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ bởi với họ Montessori không chỉ giúp trẻ lớn lên vui vẻ, tự tin, sáng tạo mà còn dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ và tôn trọng từ khi còn nhỏ.
Tìm hiểu sâu hơn về Montessori, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhận thấy, dường như bất kì điều gì quanh cuộc sống của chúng ta đều có thể trở thành học cụ ứng dụng trong quá trình thực hành Montessori. Sách Montessori – Rèn kỹ năng sống và kỹ năng phối hợp đã phần nào minh chứng cho điều đó. Các bậc phụ huynh không cần đến những vật dụng quá cầu kì, đôi khi chỉ là một chiếc khuy, một chiếc chai để đổ nước vào, hay vài loại rau củ quả có sẵn trong gia đình cũng đã tạo nên một hoạt động Montessori thiết thực. Cuốn sách này đưa chúng ta đến với những hoạt động vui nhộn, khuyến khích vận động, phối hợp linh hoạt dành cho trẻ: Đoán rau quả, Đoán thức ăn, Đoán mùi, Khám phá bột ngô kì diệu, Cuộc đua cuồng nhiệt…, hay những hoạt động “tĩnh” hơn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung: Xâu cúc bằng dụng cụ làm sạch ống hút, Xâu mì ống, Xâu ống bìa cứng, Cài cúc áo sơ mi…, rồi nâng cao hơn nữa là rèn luyện những kỹ năng sống thường nhật như rửa tay, đánh răng, chải tóc, gấp quần áo, dọn giường v.v.
Dựa trên những nguyên tắc phù hợp với sự phát triển trong những năm đầu đời của trẻ, Sách Montessori – Rèn kỹ năng sống và kỹ năng phối hợp giới thiệu hơn 70 hoạt động tại nhà tăng tiến theo từng cấp độ sẽ trang bị cho các bé (từ 2 tuổi trở lên) những kỹ năng vô cùng thiết yếu, với sự giúp đỡ và hỗ trợ từ bố mẹ, hoặc từ những người thân thương khác xung quanh bé. Theo tác giả Maja Pitamic, qua các hoạt động vui chơi được thiết kế khoa học, có chủ đích kể trên, trẻ sẽ đạt đến một số “mục tiêu nền tảng”:
• Mặc áo khoác và buộc dây giày
• Nhận biết các mùi vị và chất liệu
• Nắm bắt sự đối lập xúc giác
• Ghép khớp các hình khối
• Phân biệt và so sánh âm thanh
Điều đặc biệt hơn nữa là trên hành trình trau dồi kỹ năng, cuốn sách này còn giúp trẻ bồi đắp tình yêu thương, lòng tự tin và thái độ tự lập – nhờ sự bố trí nhịp nhàng, hợp lý các cơ hội sao cho trẻ vừa biết trợ giúp, phối hợp vừa biết tự thực hiện, tự biểu hiện.
Khi cầm Sách Montessori – Rèn kỹ năng sống và kỹ năng phối hợp trên tay, rất nhiều bậc cha mẹ cũng như những người chăm sóc trẻ nói chung đã bày tỏ niềm thích thú, hứng khởi bởi từ những việc nhỏ hằng ngày, khi làm đúng cách và nhất quán, trẻ sẽ từng bước hình thành các phẩm chất quan trọng hơn của tư duy cũng như thái độ sống trong tương lai.



Em bé tập đi Montessori (The Montessori Toddler)
“Thông qua cuốn sách thú vị, thiết thực và truyền đầy cảm hứng này, tôi hi vọng những phương pháp giáo dục của cụ cố tôi sẽ lan toả vào từng gia đình theo cách rất riêng.” – Caroline Montessori, một người cháu của bà Maria Montessori đã gửi gắm lòng tin vào tác phẩm Em bé tập đi Montessori (The Montessori Toddler) như vậy.
Giữa vô vàn ấn phẩm Montessori, Em bé tập đi Montessori (The Montessori Toddler)vẫn nổi bật nhờ những hình ảnh minh họa thực tế, hữu ích và hết sức đáng yêu. Hàng trăm nguyên lý, gợi ý thiết thực được trình bày rất khoa học trên mọi phương diện: các dạng hoạt động Montessori, phương pháp bài trí không gian trong nhà theo phong cách Montessori, những kĩ năng hữu ích mà trẻ mới biết đi cần học giúp ta “chung sống” cùng những em bé lẫm chầm; thật tuyệt vời khi chúng xoay quanh 5 “nguyên tắc” dễ nhớ vô cùng hiệu quả:
– Giữ bình tĩnh khi lũ trẻ trở nên cáu kỉnh, đặt ra giới hạn bằng tình yêu thương và thái độ tôn trọng bé
– Bài trí tổ ấm và loại bỏ các đồ đạc lỉnh kỉnh
– Tạo ra những hoạt động Montessori phù hợp với lứa tuổi từ 1-3
– Nuôi nấng một em bé ham học hỏi, mê thích khám phá thế giới xung quanh
– Quan sát thế giới qua đôi mắt của trẻ mới biết đi.
Em bé tập đi Montessori (The Montessori Toddler) được các phụ huynh ở rất nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận nồng nhiệt nhờ những “câu chuyện thực tế” truyền cảm hứng, với bảng Phụ lục và phần Index tỉ mỉ, dễ tra cứu – hướng đến mục tiêu biến từng ngôi nhà bình thường thành mái nhà Montessori, đồng thời thay đổi cách người lớn chúng ta đang nhìn nhận trẻ mới biết đi, nuôi nấng các bé thành người ham học và có trách nhiệm.

Sách “Trường học sáng tạo” – Cuộc cách mạng từ gốc rễ, chuyển hóa giáo dục

HÃY ĐỔI GIÁO DỤC TỪ GỐC RỄ
Một số đặc điểm của các trường học truyền thống đang không hỗ trợ, thậm chí cản trở quá trình học. Cuộc cải cách giáo dục mà chúng ta cần bao gồm việc suy nghĩ lại về cách trường học vận hành, và thế nào mới được coi là một trường học. Chúng ta cần tin vào một câu chuyện khác về giáo dục.
Chúng ta luôn thích những câu chuyện, ngay cả khi chúng không có thực. Chúng ta lớn lên và tìm hiểu thế giới qua những câu chuyện kể. Trong những câu chuyện đó, lằn ranh của sự thật và hư cấu thường mờ nhạt tới mức ta rất dễ nhầm lẫn giữa hai phạm trù.
Giáo dục cũng có một câu chuyện như vậy. Nó được rất nhiều người tin sái cổ, nhưng chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, trở thành sự thật. Câu chuyện đó như sau:
CÂU CHUYỆN “NGUY HIỂM” TRONG GIÁO DỤC
Trẻ em đến trường tiểu học để học đọc, học viết và học toán. Đây là những kỹ năng cơ bản giúp chúng có thể học tập tốt ở bậc phổ thông. Nếu chúng học lên đại học và ra trường với tấm bằng giỏi, chúng sẽ tìm được một công việc lương cao, và đất nước sẽ phát triển nhờ những con người như thế.
Trong câu chuyện này, trí thông minh thực tế là những gì bạn dùng trong những môn học thuật: Theo lẽ tự nhiên, mỗi đứa trẻ được sinh ra có mức độ thông minh này khác nhau, nên lẽ hiển nhiên là sẽ có những đứa trẻ học giỏi và những đứa không. Nhóm trẻ thực sự thông minh sẽ bước vào những đại học danh tiếng với những sinh viên khác cũng rất sáng sủa về học thuật.
Những sinh viên ra trường với tấm bằng giỏi thì nghiễm nhiên kiếm được công việc lương cao với văn phòng riêng. Những đứa trẻ kém thông minh hơn đương nhiên sẽ học kém hơn ở trường. Vài đứa sẽ thi trượt hoặc bỏ học.
Những đứa tốt nghiệp phổ thông trung học có thể sẽ dừng con đường học tập và kiếm một công việc lương thấp. Một số sẽ đi học đại học nhưng chọn những khóa học ít hàn lâm hơn, hoặc học nghề để kiếm một công việc tay chân nào đó phù hợp với khả năng của mình.
Khi được kể thẳng thừng như thế, câu chuyện nghe có vẻ rất trào phúng. Nhưng khi bạn nhìn vào những gì đang diễn ra ở nhiều trường học, lắng nghe những điều cha mẹ kỳ vọng ở con và cho con, và tìm hiểu về hành động thực tế của các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới, bạn sẽ thấy rằng nhiều người đang thực sự tin rằng hệ thống giáo dục này vẫn đang rất ổn.
Ai cũng tin rằng hệ thống này chỉ là không hiệu quả như mong đợi bởi vì các tiêu chuẩn đang rơi rụng. Do đó, hầu hết nỗ lực đều chỉ chăm chăm vào việc nâng cao những tiêu chuẩn đó thông qua việc gia tăng cạnh tranh và trách nhiệm của các bên. Có thể, bạn cũng đang tin vào câu chuyện này, và tự hỏi rằng có gì sai đâu.
Câu chuyện này là một huyền thoại rất nguy hiểm. Nó là một trong những lý do chính giải thích tại sao quá nhiều nỗ lực cải cách đều thất bại. Ngược lại, những nỗ lực cải cách đó còn khiến những vấn đề mà chúng muốn giải quyết trở nên phức tạp hơn.
Những vấn đề có thể kể đến đó là tỷ lệ bỏ học đáng báo động ở cả bậc phổ thông lẫn đại học, mức độ căng thẳng và trầm cảm – thậm chí tự sát – ở học sinh và cả giáo viên, tấm bằng đại học mất dần giá trị, chi phí để có tấm bằng đó lại tăng phi mã, và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở cả nhóm có và không có bằng đại học.
ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ “PHŨ PHÀNG”
Mỗi hệ thống có cách hoạt động rất đặc thù. Trong những năm hai mươi tuổi, ở Liverpool, tôi có tới thăm một lò mổ (Tôi không nhớ tại sao tôi lại đến đó nữa. Chắc là lúc ấy đang đi hẹn hò). Lò mổ là nơi được thiết kế để giết động vật. Và nó làm tròn vai thật. Rất ít con vật có thể trốn thoát và tụ tập lập ra câu lạc bộ “những kẻ sống sót”.
Gần cuối con đường, chúng tôi đi qua một cánh cửa gắn biển “bác sĩ thú y”. Tôi đã mường tượng là người này chắc hẳn ngày nào cũng bị trầm cảm sương sương. Tôi liền hỏi hướng dẫn viên tại sao ở đây lại cần bác sĩ thú y. Há chẳng phải là hơi muộn cho việc này rồi sao? Anh ta nói rằng bác sĩ tới đây định kỳ để lấy mẫu xét nghiệm xác động vật. Hóa ra, người hướng dẫn viên ấy cũng đã nhìn ra một quy luật ở đây rồi.
☘ Nếu bạn thiết kế một hệ thống để làm một nhiệm vụ cụ thể, đừng bất ngờ khi nó làm chính xác việc đó. Nếu bạn vận hành một hệ thống giáo dục dựa trên chuẩn hóa và tuân thủ quy chuẩn, bản chất là đè nén tính cá nhân, trí tưởng tượng và óc sáng tạo, thì cũng đừng bất ngờ đó chính xác là những gì hệ thống sẽ làm.
Có một sự khác biệt giữa triệu chứng và nguyên nhân. Rất nhiều triệu chứng của những căn bệnh hiện tại trong giáo dục sẽ không biến mất cho tới khi chúng ta hiểu được nguyên nhân sâu xa ẩn bên dưới. Nguyên nhân đầu tiên là đặc tính công nghiệp của giáo dục công. Có thể tóm gọn như sau:
Phần lớn các nước phát triển đều không có hệ thống giáo dục công trước khoảng giữa thế kỷ 19. Những hệ thống này được phát triển để đáp ứng nhu cầu lao động cho cuộc Cách mạng Công nghiệp và được thiết kế dựa trên nguyên tắc sản xuất đại trà.
Phong trào chuẩn hóa chỉ chăm chăm làm sao để những hệ thống này hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm hơn. Nhưng vấn đề ở đây là hệ thống giáo dục này, về bản chất, lại hoàn toàn không phù hợp với bức tranh rất khác của thế kỷ 21.
Trong vòng 40 năm trở lại đây, dân số thế giới đã tăng gấp đôi từ gần 3 tỷ lên hơn 7 tỷ người. Chúng ta là thế hệ người đông nhất tồn tại trên Trái Đất cùng một thời điểm, và con số này vẫn đang gia tăng chóng mặt. Cùng lúc đó, công nghệ số đang chuyển hóa cách chúng ta làm việc, vui chơi, suy nghĩ, cảm nhận và kết nối với nhau.
☘ Cuộc cách mạng này mới chỉ bắt đầu. Những hệ thống giáo dục cũ kỹ lại không được thiết kế cho thời đại này. Cải cách hệ thống bằng việc nâng cao những tiêu chuẩn cũ sẽ không tài nào giải quyết được những thách thức mà chúng ta đang đối mặt.
ĐỔI THAY ĐẾN TỪ CHÍNH… MỖI NGƯỜI
Vậy bạn có thể làm gì? Dù bạn đang là học sinh, người làm giáo dục, phụ huynh, người quản lý, hay nhà hoạch định chính sách – hay bất cứ mối liên hệ nào với hoạt động giáo dục – bạn đều có thể trở thành một phần của sự thay đổi.
Những cuộc cách mạng thường không thể đợi chờ hành lang pháp lý. Thay đổi phải bắt đầu từ những gì chúng ta làm ở cấp cơ sở. Giáo dục là những gì đang diễn ra giữa người dạy và người học, ở trường học.
- Nếu bạn là một giáo viên, thì đối với học sinh, bạn chính là hệ thống. Nếu bạn là lãnh đạo trường học, thì với cộng đồng, bạn chính là hệ thống. Nếu bạn là nhà hoạch định chính sách, thì đối với những ngôi trường bạn đang quản lý, bạn chính là hệ thống.
- Nếu bạn đang tham gia vào hoạt động giáo dục, bạn có ba lựa chọn: bạn có thể tạo ra thay đổi từ trong hệ thống, bạn có thể tạo ra áp lực để hệ thống thay đổi, hoặc bạn có thể tạo ra những thay đổi từ bên ngoài hệ thống. Càng có nhiều đột phá sinh ra trong hệ thống, hệ thống càng tiến hóa về mặt tổng thể.
Đối diện với một tương lai rất vô định, lời giải không thể chỉ dừng lại ở việc làm tốt hơn những điều chúng ta đã làm. Chúng ta phải làm một điều gì đó khác đi. Thử thách không phải là sửa chữa hệ thống cũ, mà phải là thay đổi nó. Không chỉ dừng ở “cải cách”, chúng ta thực sự phải chuyển hóa hệ thống một cách toàn diện. Điều trớ trêu ở đây đó là chúng ta biết rõ điều gì thực sự tốt cho giáo dục, nhưng chúng ta chưa nhân nó ra đủ rộng.
Mặc dù giáo dục là một vấn đề toàn cầu, nhưng trước hết nó cần những thay đổi nhỏ từ mỗi con người. Đây là điểm mấu chốt để thay đổi toàn diện. Thế giới đang đi qua rất nhiều cuộc cách mạng, và chúng ta cũng cần một cuộc cách mạng trong giáo dục.
Như phần lớn các cuộc cách mạng, cuộc cách mạng giáo dục này đã được ấp ủ trong một thời gian dài, và đang tăng tốc ở nhiều nơi. Cuộc cách mạng này không bắt đầu từ ngọn, mà buộc phải khởi nguồn từ gốc – từ chính MỖI NGƯỜI chúng ta – đúng như lẽ tất nhiên nó phải thế.
TRƯỜNG HỌC SÁNG TẠO thật sự là một cuốn sách mà bất cứ ai làm giáo dục cũng cần đọc, đọc ngấu nghiến, đọc thật kỹ và đọc đi đọc lại (mình đọc chắc phải hơn 10 lần rồi), nếu như thật sự coi giáo dục là cái nghề và cái nghiệp của mình.
Nguồn từ dịch giả – Facebook Hieu Nguyen
Bởi lẽ, nếu như chúng ta làm giáo dục mà không thật sự hiểu mỗi hành động chúng ta làm, mỗi quyết định chúng ta đưa ra đã, đang và sẽ dẫn dắt những đứa trẻ đi đâu và về đâu, thì có lẽ đó sẽ là một nuối tiếc lớn, một sai lầm lớn của không chỉ chúng ta mà còn là của nhiều thế hệ trẻ, của đất nước và của tương lai.
Sách “450 trò chơi vận động cho trẻ mầm non”

Các trò chơi vận động không chỉ đem đến cho trẻ những khoảng thời gian vui vẻ và nuôi dưỡng niềm yêu thích vận động ở trẻ, mà còn góp phần giúp trẻ nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, sự linh hoạt của cơ thể. Đồng thời, trẻ còn được bồi đắp cảm xúc, các kỹ năng xã hội và trí thông minh trong quá trình vui chơi.
Tựa sách “450 trò chơi vận động cho trẻ mầm non” giới thiệu nhiều trò chơi đa dạng để trẻ có thể chơi quanh năm ngay từ thời kỳ sơ sinh. Những trò chơi này có thể kết hợp dễ dàng với việc chăm sóc trẻ, giúp trẻ làm quen với việc vận động và các bài tập thể dục ngay từ sớm. Các hoạt động và trò chơi được phân loại dựa theo bốn kĩ năng vận động chính: di chuyển, thăng bằng, thao tác, tại chỗ, có nhiều cấp độ để tăng sự hứng thú và tăng lượng vận động của trẻ, nhờ vậy giáo viên và phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn hoạt động phù hợp với độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ.
Với phần trình bày chi tiết và minh họa rõ ràng, cuốn sách sẽ giúp phụ huynh và giáo viên có những phút giây vui chơi, tương tác, giao tiếp với trẻ một cách vui vẻ, an toàn và hiệu quả.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
Akira Maehashi hiện là tiến sĩ y học, giáo sư khoa Khoa học Con người tại Đại học Waseda. Ông cũng là Hội trưởng Hội Giáo dục Thể chất cho Trẻ em Nhật Bản, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Học thuật về Giáo dục ăn uống Nhật Bản.
Ông có bằng thạc sĩ giáo dục tại Đại học Missouri, Hoa Kỳ và bằng tiến sĩ y học tại Đại học Okayama, Nhật Bản. Sau đó ông làm giảng viên ngắn hạn tại trường Đại học thuộc thành phố Kurashiki, Nhật Bản và hiện tại ông đang là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Thể thao Quốc gia Đài Loan.
Ông là một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sức khỏe và phúc lợi cho trẻ em. Trong thời gian giảng dạy tại các trường đại học, ông đã phát triển các hoạt động ở Nhật Bản và các nước châu Á khác nhằm hỗ trợ tăng cường sức khỏe của trẻ em thông qua các bài giảng và hướng dẫn vận động.





