Các mũi tiêm phòng và lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi

Vacxin được xem là một bước đột phá trong y tế dự phòng, trở thành một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén và hữu hiệu nhất giúp con người chủ động trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt là ở trẻ em, việc chích ngừa đầy đủ và đúng thời điểm là điều vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo cho sức khỏe còn non nớt của trẻ.

Các mũi tiêm phòng và lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi
Các mũi tiêm phòng và lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi

Vì sao phải tiêm chủng vacxin phòng bệnh?

Tiêm chủng chính là sử dụng vacxin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một hoặc nhiều bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vacxin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vacxin vào sử dụng. Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu của vacxin trong việc cứu mạng sống của con người:

  • 2 triệu người tử vong mỗi năm vì bệnh đậu mùa cho đến khi có vacxin và những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Năm 1979, bệnh đậu mùa đã bị quét sạch, chấm dứt những chuỗi ngày ám ảnh của nhân loại vì dịch bệnh giết người hàng loạt này.
  • Sự ra đời của vacxin sởi ước tính đã cứu sống hơn 21 triệu người từ năm 2000 đến 2017.
  • Số ca tử vong liên quan đến Ho gà đã giảm từ 1,3 triệu/năm xuống còn 63.000 vào năm 2013.
  • Số ca mắc bệnh Bạch hầu đã giảm từ 80.000 năm 1975 xuống còn dưới 10.000 trường hợp như hiện nay.
  • Số ca mắc bệnh Bại liệt giảm từ trên 300.000/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 trường hợp năm 2014.
  • Mỗi năm, vacxin đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ em trên thế giới khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trẻ dưới 2 tuổi cần tiêm các mũi tiêm phòng nào?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Nếu không tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ cho trẻ, tiêm muộn, trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị mắc các bệnh nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vacxin, sinh phẩm Y tế bắt buộc: có 10 bệnh truyền nhiễm và vacxin bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm: Viêm gan B, Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Bệnh do Heamophilus Influenzae týp B, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Rubella.

Ngoài những vacxin có trong danh mục vacxin tiêm chủng mở rộng, phụ huynh có thể cho trẻ tiêm thêm các mũi vacxin dịch vụ khác để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ, như:

  • Vacxin phòng các bệnh viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa… do phế cầu;
  • Vacxin phòng thủy đậu;
  • Vacxin phối hợp sởi, quai bị, rubella (MMR);
  • Vacxin phòng viêm màng não do não mô cầu type BC và type ACYW135;
  • Vacxin phòng cúm;
  • Vacxin phòng tiêu chảy do rota virus gây ra;
  • Vacxin phòng viêm gan siêu vi A;
  • Vacxin thương hàn;
  • Vacxin phòng bệnh tả…

Chi phí dành cho việc tiêm chủng phòng bệnh thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị và chăm sóc y tế khi trẻ mắc bệnh. Do đó, để đảm bảo nền tảng sức khỏe và tương lai cho con, phụ huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, nhất là trong giai đoạn đầu đời.

Lịch tiêm chủng các mũi vacxin quan trọng cho trẻ theo từng tháng tuổi

Lịch tiêm chủng các mũi vacxin quan trọng cho trẻ theo từng tháng tuổi
Lịch tiêm chủng các mũi vacxin quan trọng cho trẻ theo từng tháng tuổi

Lưu ý:

* Đối với vacxin phòng viêm não Nhật Bản Jevax:

  • Tiêm mũi 2: Cách mũi 1 từ 7-14 ngày;
  • Tiêm mũi 3: Cách mũi 2 một năm;
  • Sau đó, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần.

* Đối với vacxin Sởi – Quai bị – Rubella:

  • Tiêm nhắc lại sau mũi 1 từ 2-5 năm.

* Đối với vacxin ngừa tả mORCVAX:

  • Liều thứ 2: Uống cách liều thứ nhất tối thiểu 2 tuần (14 ngày);
  • Uống nhắc lại cách liều đầu tiên sau 2 năm, khi có dịch bệnh.

* Đối với vacxin ngừa thương hàn Typhim VI:

  • Tiêm 1 mũi cơ bản duy nhất, tiêm nhắc lại sau mỗi 3 năm.

Phản ứng sau tiêm vacxin

Phản ứng sau tiêm vacxin cho trẻ
Phản ứng sau tiêm vacxin cho trẻ

Trên thực tế, có rất nhiều bố mẹ lo lắng, thậm chí có tâm lý không muốn đưa trẻ đi tiêm phòng vì lo sợ phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vacxin. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng thông thường là phản ứng nhẹ và có thể tự khỏi, bao gồm các triệu chứng tại chỗ như ngứa, đau, sưng hoặc đỏ hoặc vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm; triệu chứng toàn thân như sốt dưới 39°C và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn).

Bất kỳ loại vacxin nào cũng có nguy cơ gây ra phản ứng sau tiêm. Điều quan trọng cần phải lưu ý là đảm bảo tình trạng sức khỏe của bé ổn định trước khi tiêm, cho bé ở lại cơ sở tiêm chủng để theo dõi phản ứng 30 phút sau tiêm và tiếp tục theo dõi tại nhà từ 24 – 48h. Bố mẹ không nên hoang mang, lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Nếu phát hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào, bố mẹ cần đưa trẻ đi viện sớm để bảo đảm an toàn.

Xử lý thế nào khi nhỡ các mũi tiêm phòng cho trẻ?

Các bác sĩ khuyến cáo, việc tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi sẽ phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ của vacxin, giúp cơ thể trẻ đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối, đặc biệt là những liều vacxin tiêm nhắc lại.

Tuy vậy, có rất nhiều nguyên nhân khiến bố mẹ nhỡ lịch tiêm phòng của con như trẻ bị ốm, sốt không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm phòng, bố mẹ quên lịch hẹn hoặc thiếu thông tin về các loại vacxin… Đây là nguyên nhân khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm khi chưa kịp tiêm phòng, nhất là trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.

Trong trường hợp nhỡ các mũi tiêm phòng cho trẻ, tùy vào độ tuổi, loại vacxin cần tiêm, tình trạng sức khỏe của bé… các bác sĩ sẽ cân nhắc tư vấn lịch tiêm phù hợp các mũi tiêm phòng cho trẻ, giúp trẻ bổ sung hàng rào phòng ngự vững chắc.

Chúng tôi là những cá nhân yêu quý những mầm non tương lai, mong muốn chia sẻ đến bạn những điều cần thiết và quan trọng đến sự phát triển của trẻ, cũng mong nhận thêm những chia sẻ từ bạn. Tham khảo thêm tại Trẻ khỏe để cập nhật các thông tin hữu ích nhất bạn nhé!

Đăng ký
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tư vấn nuôi dạy trẻ hàng ngày!

    Tham gia Cộng đồng Cha Mẹ:

    Follow Us